Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc vuông vức, dẻo, thơm ngon, là món quà không thể thiếu của không chỉ người dân Hà Nội mà còn của nhiều khách phương xa.
Làng Tranh Khúc đã bao đời gắn bỏ với nghề làm bánh chưng, già trẻ gái trai trong làng ai cũng gói bánh nhanh thoăn thoắt. Hiện tại, làng có hơn 100 hộ gia đình vẫn theo nghề gói bánh chưng quanh năm. Tính riêng mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân nơi đây đều đặn ra lò cả vạn chiếc bánh to nhỏ khác nhau.
Con đường dẫn vào làng Tranh Khúc.
Người dân làng Tranh Khúc tất bật vào mùa bận rộn nhất trong năm.
Già trẻ gái trai trong làng ai cũng gói bánh nhanh thoăn thoắt.
Để có được chiếc bánh chất lượng, nguyên liệu làm bánh được các hộ dân làng nghề chuẩn bị rất kỳ công.
Gạo nếp gói bánh phải là loại nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng - những loại nếp ngon có tiếng.
Đậu xanh cũng phải lựa đúng loại ngon, sử dụng đậu vỡ sẵn, hoặc loại đậu hạt tiêu, sẫm màu và thơm ngậy. Sau khi đậu được ngâm tách vỏ thì người làm bánh đem hấp chín rồi đánh thật nhuyễn.
Thịt lợn làm nhân bánh chủ yếu là nạc mông, vai và ba chỉ và phải đảm bảo tươi ngon. Thịt được ướp với các gia vị như nước mắm ngon, hạt tiêu,... trước khi nặn đỗ bọc ngoài.
Hiện nay, phần lớn các hộ làm bánh trong làng đều luộc bánh bằng bếp điện hiện đại thay thế cho bếp củi như trước đây.
Sử dụng bếp điện đỡ vất vả hơn trong quá trình luộc, không phải canh bánh về độ lửa, bánh chín đều và thân thiện với môi trường.
Bánh chưng làm ra được hút chân không, vừa giữ được hương vị bánh và bảo quản được lâu hơn.
Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, các hộ dân càng nhận được nhiều đơn đặt hàng bánh to nhỏ đủ loại.
Trẻ em làng Tranh Khúc hăng hái phụ giúp gia đình và cảm thấy vui với công việc làm bánh chưng. Đây sẽ là thế hệ trẻ kế thừa, duy trì và phát huy để nghề truyền thống này không bị mai một.
Hiền Anh/baotintuc.vn