Do trời có mưa, Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019 không đúng như kế hoạch ban đầu là tổ chức ngoài trời, song tất cả các sự kiện vẫn diễn ra rất ấn tượng trong không gian của Nhà văn hóa huyện Kon Plông.
Những tiết mục như: hòa tấu nhạc cụ truyền thống mừng ngày hội, hay màn biểu diễn cồng chiêng có sự tham gia của 10 đoàn nghệ nhân các huyện, thành phố tạo nên bản hòa tấu đa âm sắc.
Một tiết mục biểu diễn trong Lễ khai mạc Ngày hội
Diễn ra trong thời gian 2 ngày, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019 có sự tham gia của trên 200 nghệ nhân 28 dân tộc anh em, trong đó có 7 dân tộc bản địa gồm: Xơ Đăng, Ba Nar, Gia Rai, Giẻ- Triêng, B’Râu, Rơ Mâm và H’Rê.
Ngày hội là dịp để các dân tộc chung sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển.
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Văn Hân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, cho biết: “Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum định kỳ 2 năm một lần. Quy mô rất là lớn toàn tỉnh về tham gia. 10 huyện, thành phố mang những gì tinh túy nhất, thực chất nhất mà đẹp nhất của dân tộc mình. Những lễ hội, rồi đặc sản về âm nhạc. Ví dụ những làn điệu dân ca hay những âm nhạc có thể các dân tộc khác không có đến để giới thiệu với các huyện khác cũng như bạn bè, du khách trong cả nước đến với Kon Plông trong dịp này”.
Tôn vinh các Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể
Cũng ngay trong Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã tôn vinh 30 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng và 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 năm 2019.
Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên