Chương trình nghệ thuật đặc sắc Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Biên giới và Giải phóng Cao Bằng
Đúng 6h30 sáng ngày 16/9/1950, quân ta nã pháo vào cứ điểm Đông Khê, mở đầu cho Chiến dịch Biên giới 1950. Sau 54 giờ tiến công ác liệt, quân ta đã làm chủ được cứ điểm, buộc quân Pháp phải rút khỏi Cao Bằng và lập tức tổ chức đội quân từ Lạng Sơn lên để cứu vãn tình thế. Như vậy, địch đã rơi vào thế trận quân ta giăng sẵn theo chiến thuật “đánh điểm diệt viện” khi ta có thể đánh địch ngoài công sự kiên cố.
Dấu tích đồn Đông Khê
Với sự anh dũng, mưu trí, đồng sức đồng lòng của quân và dân ta, cả 2 cánh quân cứu viện của Pháp đều bị đánh tan. Ngày 17/10 chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.300 tên địch, tương đương 41% lực lượng cơ động Pháp trên chiến trường Đông Dương, thu hơn 3.000 tấn vũ khí các loại. Quân ta đã đập tan hệ thống phòng thủ của địch trên đường 4, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với gần 40 vạn dân. Theo Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt to lớn cho cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: "Chiến dịch này kết thúc đã đánh bại đội quân viễn chinh mạnh nhất của Pháp. Mở đường giữa Việt Nam với Trung Quốc, mở ra quan hệ quốc tế, vấn đề viện trợ, giúp đỡ giữa Việt Nam và nước bạn. Chiến dịch thắng lợi cũng mở ra cục diện mới, so sánh tương quan lực lượng có lợi và có thể khẳng định Việt Nam sẽ thắng Pháp".
Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi chiến dịch trên ngọn núi Báo Đông
Ngày 16/9, trên ngọn núi Báo Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp theo dõi, chỉ huy đánh cụm cứ điểm Đông Khê. Tại đây vẫn còn lưu bài thơ “Lên núi” của Người:
“Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.
Người trực tiếp ra mặt trận không chỉ cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của của chiến dịch mà còn giúp cho bộ đội, nhân dân thêm vững tin vào thắng lợi. Cựu chiến binh Nguyễn Quân, một người lính vinh dự có mặt trên đường 4 khi đó chia sẻ: "Bộ đội chúng ta chỉ có một mục tiêu là đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đất nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ lúc bấy giờ của bộ đội là luyện tập, chiến đấu cố gắng sao để tạo ra thắng lợi, sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng".
Xe địch bị tiêu diệt trên đường số 4
Trong thắng lợi này, không thể không thể kể đến những đóng góp của nhân dân các dân tộc vùng Việt Bắc nói chung, nhân dân Cao Bằng nói riêng. Tỉnh Cao Bằng đã có gần 80.000 người tham gia dân công hỏa tuyến, hơn 20.000 người trực tiếp chiến đấu, đóng góp hàng triệu ngày công, cùng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm để bộ đội ăn no đánh thắng, Giải phóng Cao Bằng ngày 3/10/1950.
Thiếu tướng Nông Ngọc Toản, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I nhớ lại: "Tham gia chiến dịch người dân hăng hái lắm, bom rơi đạn nổ mà họ vẫn quyết tâm. Cả đàn bà, con gái, ai khỏe mạnh đều đi, hầu hết chỉ trẻ con, người già ở nhà thôi. Đi tải thương, gánh gạo này. Hồi ấy dân làng tôi đói, có nhà ăn ngô tới một nửa, người ta vẫn ủng hộ hết mình cho bộ đội".
Trên đà thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, ta đã tiếp tục mở hàng loạt chiến dịch ở khắp các mặt trận và các chiến trường, để chỉ 4 năm sau đó đã làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nêu những đóng góp của quân, dân Cao Bằng cho thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đánh giá cao những kết quả Cao Bằng đã được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn Cao Bằng hương tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: "Tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hãy tận dụng sáng tạo những bài học lịch sử trong Chiến thắng Biên giới 1950, Giải phóng Cao Bằng. Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cội nguồn cách mạng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung và của Cao Bằng nói riêng. Sớm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển trong các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng cả nước bứt phá đi lên trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển và là tỉnh phên dậu vững chắc nơi biên giới phía Bắc tổ quốc.
Thành phố Cao Bằng hôm nay
70 năm sau ngày giải phóng, Cao Bằng hôm nay đã đổi thay trên mọi phương diện kinh tế, đời sống. Tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân đạt trên 7% năm, địa phương đã xác định 3 đột phá chiến lược kinh tế đó là phát triển du lịch dịch vụ theo hướng bền vững; chú trọng đầu tư nông nghiệp thông minh và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Cao Bằng không chỉ có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng mà còn dần khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế, xứng đáng với truyền thống quê hương, nơi cội nguồn cách mạng./.
Công Luận/VOV Đông Bắc