Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, cho đến ngày nay, người làng Kiêu Kỵ vẫn thuộc lòng 2 câu thơ đầy tự hào về làng mình:
“Phá giặc uy linh lừng đất Bắc / Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”.
Người có công khai sinh ra nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ là ông Nguyễn Quý Trị, một tiến sĩ dưới đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Năm 1763, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Ở đó, ông đã học được nghề làm vàng bạc để sơn thếp lên hoành phi, câu đối… Sau khi về nước, ông đã truyền nghề lại cho dân làng Kiêu Kỵ.
Cuộc sống tại Kiêu Kỵ hàng trăm năm nay gắn với tiếng đập quỳ. Những người đàn ông miệt mài quai búa chẳng kể nắng mưa. Đã là nghiệp tổ nghề trao truyền, thì dẫu có bao thăng trầm rồi vẫn quay lại với nghề như là duyên trời định.
Theo các nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ, từ xa xưa, để dát được một lá vàng mỏng lên các bức tượng, câu đối, cần phải qua 40 công đoạn, nhưng giờ đây, nhờ cải tiến kỹ thuật đã giảm xuống còn 20 công đoạn.
Sau khi những thỏi vàng, bạc thật được cán và đập cho dài và mỏng thành các lá diệp, thợ sẽ đem cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.
Lá quỳ được làm từ loại giấy dó mỏng và dai, quét lên nhiều lần một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.
Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục và chỉ cần lơ đãng, búa quỳ có thể sẽ đập vào ngón tay. Đe để đánh quỳ làm bằng tảng đá nhẵn mịn, rắn chắc. Búa chuyên dụng phải là búa cán dài, có sức nặng. Chính vì chiếc búa nặng 2-3kg đòi hỏi sức mạnh để đập liên tục nên công việc này chỉ dành cho đàn ông, phụ nữ không đảm nhiệm được.
Miếng quỳ vàng được cho là đạt chất lượng khi đạt độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách… Thêm một điều ngạc nhiên là sau một giờ đập quỳ mà miếng giấy quỳ màu đen không hề bị rách.
Nghệ nhân Lê Bá Chung, người làng Kiêu Kỵ cho biết: "Nói chung tất cả các công đoạn, khâu nào cũng phải cẩn thận. Nhưng quan trọng nhất là hai khâu cuối cùng để ra thành phẩm. Người đánh phải làm sao cho lá vàng phẳng đều, vuông ra 4 góc."
Sau hai lần đập quỳ, đến giai đoạn cuối là gỡ quỳ, người thợ phải làm việc trong phòng kín để tránh gió tác động đến những lá vàng mỏng. Một chỉ vàng có thể dát ra thành khoảng 1.000 lá vàng kích thước 4x4 cm và mỏng đến nỗi chỉ chạm ngón tay vào là có thể tan ra thành bụi. Công việc này hầu hết đều do những người phụ nữ của làng Kiêu Kỵ đảm trách.
Chia sẻ về công việc của mình, bà Phạm Thị Gái, người xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho hay: "Cần chú ý nhất là không được rách, đặt không được nhăn má, không thì lúc thợ sơn họ lấy sẽ bị khó. Ngồi làm, có cười nói cũng phải có ý quay đi chỗ khác, chứ vào thẳng vàng thì gió sẽ bay hết vì quỳ rất nhẹ."
Người Kiêu Kỵ từng có giai đoạn chỉ làm quỳ để cung cấp cho các bạn hàng tỉnh khác trang trí cho công trình kiến trúc, điêu khắc ở các đình, đền, chùa thì nay, họ đã đưa các sản phẩm làng nghề tiến xa hơn, đi đến những công đoạn cuối cùng để làm nên các sản phẩn sơn son thếp vàng.
Hơn 300 năm qua, có những lúc tưởng chừng cái tên làng nghề Kiêu Kỵ chỉ còn lưu lại trong sách sử. Nhưng nhờ tình yêu nghề, Kiêu Kỵ đã trở thành một trong số ít những làng nghề truyền thống không chỉ giữ được bản sắc riêng mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người lao động.
|
Lê Liên - Hoàng Thuyên/Vietnam Journey
Mời quý độc giả xem các chương trình đã phát sóng về các làng nghề độc đáo của Việt Nam tại đây.