Không mãi cam chịu đói nghèo lạc hậu, 70 hộ dân tộc thiểu số Sê đăng ở làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện đặc biệt khó khăn Kon Plông, tỉnh Kon Tum chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế. Nhờ phát huy được giá trị văn hóa bản địa, cộng với lợi thế về khí hậu, cảnh quan môi trường, Kon Pring đang là điểm đến được nhiều du khách gần xa lựa chọn dịp Xuân này.
Sau hành trình vất vả trên 500km bằng xe khách, đôi bạn Nguyễn Thị Ngọc Dung và Nguyễn Quỳnh Trang, hiện là sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh có mặt tại làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong một ngày đầu Xuân.
Ấn tượng trước cảnh thanh bình, nguyên sơ, lãng mạn và sự chân chất, mộc mạc, mến khách của người Sê-đăng ở đây, bạn Nguyễn Thị Ngọc Dung nói: “Mọi thứ ở đây đều rất là đẹp. Rất giống như mong đợi của em. Mọi người sống trong làng, tạo sự gần gũi cảm thấy rất ấm áp. Em rất thích và mong muốn lần sau mình sẽ đến đây nữa”.
Những Homestay ở Kon Pring 1,2
Cách đây chưa lâu 70 hộ dân tộc thiểu số Sê-đăng nhánh Rơ-nâm làng Kon Pring chưa hề biết tới hoạt động du lịch cộng đồng. Từ định hướng của chính quyền huyện Kon Plông và cá nhân chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Măng Đen Đại Ngàn, người dân ở đây bắt đầu tập làm du lịch.
Theo gương những thành viên nòng cốt, như già A Lum, thôn trưởng A Rvét, chị Y Lim… người dân trong làng được khuyến khích giữ gìn truyền thống văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường, ăn ở hợp vệ sinh… Làm chủ một quán nhỏ bán nước và tạp hóa phục vụ khách du lịch ngay sau Nhà rông của làng, anh A Tâm cho biết, việc này trước đây vợ chồng anh chưa hề nghĩ tới. Giờ thì thấy phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe của mình: “Tuổi già sức yếu rồi hai vợ chồng không biết làm gì. Hai vợ chồng xác định mở quán để bán lai rai cho khách du lịch. Ai đến có nhu cầu uống nước hay mua các mặt hàng. Bán quán có thu nhập để mình cân đối sức khỏe bản thân”.
Để tạo động lực cho người dân làng Kon Pring làm du lịch cộng đồng, chính quyền huyện Kon Plông hỗ trợ dân làng trên 3 tỷ đồng bê tông hóa đường làng, đầu tư cho 3 hộ dân làm homestay đón khách lưu trú. Nhằm trang bị kiến thức kinh doanh du lịch cho bà con dân làng, chính quyền huyện đưa một số người dân đi tham quan thực tế cách làm du lịch cộng đồng ở miền núi phía Bắc. Đồng thời mở những lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tại chỗ cho bà con. Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, rồi cả tâm lý ngại giao tiếp với người lạ, người dân làng Kon Pring ngày càng tích cực tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng, nấu những món ăn truyền thống, múa cồng chiêng, phục dựng lễ hội để giới thiệu với du khách...
Người Sê-đăng ở Kon Pring bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống
Chị Y Lim, chủ của một trong 3 homestay ý thức rất rõ vai trò của mỗi người dân trong quá trình kinh doanh du lịch cộng đồng và chị là trung tâm đoàn kết luôn đi đầu trong các hoạt động: “Trước hết làng là phải xanh, sạch, đẹp. Thứ hai nữa là không phải chỉ riêng bản thân tôi và cái nhà homestay đâu. Làm du lịch tất cả dân làng trong thôn cũng phải làm du lịch. Phải làm ra những sản phẩm. Bất cứ những cái gì mà mình làm ra được mình sẽ bán cho khách du lịch, như là chè dây, như là rượu ghè, giảo cổ lam, tiêu rừng. Bà con cùng làm du lịch”.
Đến Kon Pring, du khách được hòa mình vào khung cảnh như thơ, như mơ của núi rừng; được trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Sê-đăng; say cùng tiếng cồng chiêng, nhịp xoang truyền thống; thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn, thức uống độc đáo, như gà nướng cơm lam, lẩu gà sâm dây, cá suối, tiêu rừng, rượu nghè nếp cẩm.v.v. Nhờ phát huy được tinh thần đoàn kết, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp lại sẵn có nhiều đặc sản văn hóa, chỉ sau một thời gian ngắn phát triển loại hình du lịch cộng đồng, làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Du khách thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Sê đăng
Chị Nghiêm Thị Anh Đào du khách đến với Kon Pring từ thành phố Hồ Chí Minh có những cảm nhận tốt đẹp: “Mình đến những nơi này là mình muốn trải nghiệm. Mình thấy dân làng người ta rất hiền lành, người ta rất hiếu khách”.
Cùng cảm nhận trên em Trịnh Thục Khánh Ngọc nói: “Bình thường đi học trên trường học về lý thuyết vùng Tây Nguyên rất là nhiều. Khi tới đây thì mình được xem, thấy những nhà rông, nhà dài thật của họ nhìn rất là đồ sộ, hùng vỹ. Đẹp hơn trong những quyển sách giáo khoa”.
Mạnh dạn chọn hướng đi mới để thoát đói nghèo lạc hậu, người Sê-đăng ở làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện đặc biệt khó khăn Kon Plông, tỉnh Kon Tum giờ đã có thêm thu nhập từ việc phát triển du lịch cộng đồng. Không ít hộ dân mỗi tháng có thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng nhờ tham gia hoạt động đưa đón, phục vụ du khách. Người Sê-đăng ở làng Kon Pring trước đây vốn chỉ biết đến cây lúa, cây ngô thì nay có thêm kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Kon Pring đã được đánh thức và đang ngày càng có thêm nhiều du khách chọn nơi đây làm điểm đến cho những chuyến đi của mình./.
Phạm Dương (theo vov.vn)