Ảnh: dulichhaiduong.gov.vn
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 9/2019 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương tổ chức.
Theo đó, năm nay, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc sẽ nâng tầm Lễ hội quân trên sông Lục Đầu thành Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu để tái hiện lại hình ảnh quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông. Nội dung này sẽ diễn ra vào sáng 15/9 (tức 17/8 âm lịch), là một điểm nhấn độc đáo ngay sau phần Lễ khai hội, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách thập phương quan tâm.
Diễn xướng dự kiến diễn ra trong khoảng 60 phút với sự tham gia của 60 chiếc thuyền của ngư dân các khu dân cư Kênh Giang, Văn Đức cùng sự tham gia của trên 1.000 người dân. Chương trình diễn xướng có 3 chủ đề: “Quốc công Tiết Chế phụng lệnh hội quân, sông Lục Đầu bày thế trận”; “Hùng khí Lục Đầu” và “Ca khúc khải hoàn”.
Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc nói không với rác thải nhựa, Lễ cầu an và hội hoa đăng năm nay sẽ có nét mới, thay vì sử dụng chất liệu hoa đăng nhựa, Ban Tổ chức đã chuẩn bị 5.000 hoa đăng gấp bằng giấy tự hủy để phục vụ người dân khi tham gia sự kiện này.
Lễ hội Mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 tưởng niệm 719 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tưởng niệm 577 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, nhằm tuyên truyền, quảng bá những giá trị của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và du khách trong thực hành, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong 10 ngày lễ hội, nhiều nghi lễ truyền thống sẽ diễn ra như: Lễ cáo yết, Lễ tưởng niệm 719 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lễ khai hội, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Lễ Khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc, Lễ rước bộ, Lễ giỗ Đức Thánh Trần, Lễ cầu an và hội hoa đăng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phần hội đặc sắc được tổ chức như: Liên hoan diễn xướng hầu Thánh, trình diễn nghệ thuật múa rối nước, đua thuyền truyền thống.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã hoàn tất. Ban Tổ chức Lễ hội đã chuẩn bị khoảng 3 vạn ấn Đền Kiếp Bạc để phát cho nhân dân trong Lễ Ban ấn đêm 14/9 (tức 16/8 âm lịch). Các khu vực hàng quán xung quanh di tích đã được sắp xếp gọn gàng và đảm bảo mỹ quan. Khuôn viên di tích sau nhiều nỗ lực đầu tư, cải tạo nay đã thêm phần khang trang, sạch đẹp với nhiều vườn hoa, cây cảnh. Các điểm di tích như Bàn Cờ Tiên, Thanh Hư Động, Cầu Thấu Ngọc, Suối Côn Sơn… đã được lát lại đá và khắc biển tạo thêm những điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách.
Đồng thời, Ban Tổ chức Lễ hội phối hợp với các cấp chính quyền địa phương lập phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách đến với lễ hội. Để tăng cường thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp mê tín, dị đoan, ăn xin, chèo kéo du khách…
Theo dantocmiennui.vn