Xã biên giới Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào Mảng, 1 trong 4 dân tộc đặc biệt khó khăn của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 60%.
Nơi đây cũng được biết đến là vùng "lõi" nghèo của tỉnh Lai Châu, mà nguyên nhân chính là do nhận thức của phần đông đồng bào Mảng chậm phát triển, dẫn tới tập tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu.
Cũng bởi đói nghèo, lạc hậu và hủ tục uống rượu, quan hệ cận huyết thống nên chất lượng dân số của đồng bào Mảng thấp, số người già trên 60 tuổi rất ít.
Vào những ngày hè, trẻ em thường theo cha mẹ đi rừng, đi nương và không ít trong số đó là lao động chính trong gia đình. Đầu năm học, thầy, cô giáo các nhà trường thường phải vượt núi lên rừng kéo học sinh về lớp.
Những con đường vào bản vất vả bao nhiêu thì con đường vượt núi gồng gánh mang “cái chữ” của các thầy cô đến với các em nhọc nhằn bấy nhiêu.
Có những cung đường mòn đi được xe máy hoặc đi bộ, nhưng cũng có những cung đường nhiều điểm sạt lở. Để qua được, các thầy cô giáo phải gắng sức khiêng xe qua, với mục tiêu cao nhất là huy động tối đa học sinh ra lớp.
Những chiếc xích buộc lốp thường là người bạn đồng hành và là "bánh lái" cho những "chuyến đò" vượt các cung đường rừng trơn trượt như đổ mỡ về bản, lên nương...
... khó khăn, thách thức đó là mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu chảy trên đường do ngã xe, trượt vực...
Chỉ cần những điểm trường ở Nậm Ban luôn đủ sĩ số, đầy ắp tiếng cười là các cô giáo quên đi hết mệt mỏi.
... và niềm vui thật giản dị đối với mỗi thầy, cô giáo là khi những "chuyến đò" ấy được phụ huynh đồng ý cho đưa con em họ tới lớp.
Phút giải lao của giáo viên, học sinh Trường Mầm non Nậm Ban trên đường đưa học sinh về trường.
Ngôi trường nhỏ bên suối lũ mùa mưa, dù còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng đang là nơi ươm mầm cho thế hệ tương lai con em đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Ban.
Năm học 2020 - 2021, 3 cấp học: THCS, Tiểu học và Mầm non ở Nậm Ban có hơn 800 học sinh, trong đó có gần 740 học sinh thuộc diện được Nhà nước nuôi ăn ở bán trú.
Để các em có được nơi ăn ở tốt nhất trước khi bước vào năm học mới, sau kỳ nghỉ hè ngắn ngủi, giữa tháng 8 các thầy, cô giáo đã trả phép và có mặt ở trường để giặt chăn màn, chuẩn bị đón học sinh.
Những bàn tay hàng ngày quen với cầm phấn, dạy múa nay lại bận rộn với việc cầm cuốc, nhặt cỏ, chuẩn bị rau xanh để tăng thêm khẩu phần ăn cho học sinh.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban: Xã này cách trung tâm huyện Nậm Nhùn hơn 100 km, xa xôi và khó khăn nhất của huyện. Các thầy cô giáo hầu hết là người miền xuôi gắn bó với nơi đây hàng chục năm nay.
Xác định chỉ có tri thức mới thay đổi cuộc sống đồng bào nơi đây, nhiều con em người Mảng có hoàn cảnh khó khăn đã được các thầy cô nhận làm con nuôi, trưa ăn cơm trên lớp bán trú, tối cô có gì trò cùng ăn.
Những "chuyến đò" vượt núi của các nhà giáo ở Nậm Ban được đền đáp khi thế hệ học sinh con em người Mảng nay đã có người làm cán bộ xã, người làm kinh tế giỏi. Năm học vừa qua, lần đầu tiên có 1 em học sinh người Mảng đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh.
Và những "chuyến đò" vượt núi vẫn còn in tiếp những bước chân các thầy cô trên hành trình gieo chữ nơi cuối trời Tây Bắc xa xôi./.
PV/VOV Tây Bắc