Người dân xã Yên Lạc (Nguyên Bình) sản xuất giấy bản. |
Giấy bản thường được sử dụng trong các dịp cầu an, lễ, Tết. Giấy bản có màu vàng nhạt, dai và bền, thường dùng để cắt giấy tiền, vàng hương trong tục thờ cúng, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực nên chữ viết không bao giờ phai.
Người Dao Đỏ ở Yên Lạc, Cao Bằng, làm giấy bản từ cây trúc non, trải qua nhiều công đoạn khá công phu. Từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, người dân thu hoạch cây trúc non, loại bỏ cành, lá, chẻ đôi và cắt thành từng đoạn ngâm xuống nước vôi từ 1 - 2 tháng, vớt ra rửa sạch rồi lại ngâm tiếp 1 - 2 tháng. Sau đó, vớt trúc lên, đập dập, cho vào cối giã và cho xuống bể lớn đựng sẵn nước cây “chề kêu” (tiếng địa phương), khi khuấy đều sẽ được một loại dung dịch sóng sánh màu vàng nhạt. Dùng khuôn tráng giấy làm bằng vải nhúng xuống bể, lắc đều để dung dịch này trải đều trên khuôn vải sẽ được tấm giấy bản ướt. Cuối cùng, bóc tấm giấy bản ướt ra phơi khô trên tấm cót hoặc vắt lên sào để giấy bản khô.
Chị Triệu Mùi Chướng, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc được bố mẹ dạy làm giấy bản từ khi còn nhỏ, hiện vẫn duy trì làm nghề hơn 10 năm, chia sẻ: Làm giấy bản không quá khó nhưng đòi hỏi nhiều công sức, ngày nào cũng phải xem nước ngâm cây có đủ hay không. Để có những tờ giấy bản vuông vắn, phải xếp các tấm giấy thành lớp khoảng 15 - 20 tờ, khổ rộng 25 x 80 cm. Giấy bản đẹp phải mỏng, có sắc vàng, độ xốp cao, dai mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và có hương thơm của cây rừng.
Cây trúc sào là một trong những hướng phát triển kinh tế góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo của người dân tại xã Yên Lạc. Nhận thấy nghề làm giấy bản truyền thống có tiềm năng phát triển, góp phần bảo tồn, lưu giữ văn hóa dân tộc, nhiều năm trở lại đây, chính quyền xã Yên Lạc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và phát triển nghề, tận dụng sản phẩm trúc sẵn có nhằm góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, nhất là mùa nông nhàn. Hiện, xã Yên Lạc có gần 100 hộ ở 4/5 xóm làm giấy bản, gồm: Lũng Súng, Tàn Pà, Lũng Ót, Tà Cáp. Nhiều hộ có thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/năm từ làm giấy bản, góp phần ổn định cuộc sống.
Nghề làm giấy bản của người Dao Đỏ xã Yên Lạc thường diễn ra mùa nông nhàn. Dù làm giấy bản phải có thời gian, sức khỏe và sự tỉ mỉ nhưng mỗi người Dao sinh ra và lớn lên ở Yên Lạc luôn tự hào khi các thế hệ trong gia đình vẫn hằng ngày cần mẫn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại theo cách riêng của họ.
Để bảo tồn, phát triển nghề làm giấy bản truyền thống từ cây trúc sào của người Dao Đỏ ở Cao Bằng, chính quyền địa phương cần tính đến việc phát triển thành làng nghề gắn với phát triển du lịch; tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động cũng như quảng bá, tìm kiếm thị trường để sản phẩm của người dân có đầu ra ổn định. Có như vậy, nghề làm giấy bản nói riêng và các nghề truyền thống của nhân dân nói chung mới phát triển bền vững, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo.
Phan Huế/Báo Cao Bằng