Nhộn nhịp chợ phiên giáp Tết tại thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc)
Bất chấp cái rét buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng, đồng bào ở lưng chừng núi, đồi xuống chợ từ sớm, làm náo nhiệt cả một vùng vốn ngày thường vắng lặng... Ai cũng muốn mua nhanh, bán sớm để gặp mặt bạn bè, người thân, sắm sửa đồ Tết. Tiếng bước chân người nhộn nhịp, những tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa lọc cọc, tiếng xe máy… Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao non nước Cao Bằng.
Mỗi dân tộc có một nét đặc trưng riêng và nét đẹp đó được người vùng cao mang đến chợ. Đến với chợ vùng cao ở Cao Bằng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian sắc màu của quần áo thổ cẩm, những thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… xinh tươi trong bộ trang phục truyền thống, cùng với hàng hóa tạo nên sự huyền ảo nhiều màu sắc, không khí vui tươi cho ngày chợ. Sản phẩm của địa phương được bày bán, trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, như: vải lanh, khăn thổ cẩm, hàng ẩm thực.
Độc đáo phải kể đến phiên chợ cuối năm tại thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc). Phiên chợ diễn ra thường niên vào ngày 25, 30 tháng Chạp. Phiên chợ cuối cùng của năm nên nhộn nhịp hơn, mọi người đi chợ sắm Tết rất đông tạo không khí náo nhiệt khắp khu chợ. Mọi ngóc ngách gần chợ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ Tết. Các gian hàng đông người mua hơn cả là hàng bán lá dong, bánh khảo, giấy đỏ dán cửa nhà...
Cùng gia đình đi chợ phiên giáp Tết thị trấn Bảo Lạc từ rất sớm, chị Lý Thị Mỷ, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Trang, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) chia sẻ: Tết năm nay cũng như mọi năm, nhà mình và các nhà trong xóm đều ăn Tết khá to, có mổ lợn và rượu, bánh đầy đủ. Hôm nay, mình đi chợ sớm, tranh thủ chọn vải về cắt may, thêu thùa bộ váy truyền thống đẹp nhất cho bản thân, con cái.
Chợ phiên ngày cuối năm khác hẳn những phiên chợ bình thường. Ở đó có sự hòa trộn những hương vị đồng quê ngào ngạt từ những thúng bưởi vàng, những bó hương, bó “khinh phja” (gừng núi) lan tỏa khắp nơi… Từ sớm tinh mơ, người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm ngày Tết. Gánh hàng của các bà, các mẹ chỉ là những sản phẩm trong vườn…
Tại phiên chợ cuối cùng trong năm ở xã Thanh Long (Thông Nông), từ sáng sớm, dòng người khắp nơi đổ về đây với váy áo rực rỡ sắc màu. Trong không gian nhộn nhịp của phiên chợ Tết, mùi hương thơm cũng làm cho không khí thêm ấm cúng và đậm dư vị ngày Tết. Những bó hương rực rỡ là thành quả cả một năm của những người phụ nữ dân tộc Dao tảo tần chăm chút và ẩn chứa trong đó là nhiều giá trị truyền thống dân tộc. Mỗi người bán đều mang đến chợ một đặc sản của địa phương mình để làm phong phú thêm cho phiên chợ Tết. Đặc biệt, là địa phương nổi tiếng với rượu ngô Tắp Ná nên có cả một khu vực tập trung bán rượu thơm nức một góc chợ. Chén rượu ngô trong vắt và thơm lừng đủ làm say lòng bất cứ người nào đến đây.
Người dân vùng cao đi chợ Tết không chỉ để mua sắm. Họ đến đây còn để chơi chợ, gặp gỡ bạn bè, mời nhau đi dự lễ hội mùa xuân. Nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của các bà, các chị, các cô gái, có lẽ việc bán được hàng hay không không còn là điều quá quan trọng. Niềm vui trong phiên chợ cuối năm giúp họ có thêm một mùa xuân ấm áp. Ông Nông Văn Bào, xóm Sóc Giang, xã Sóc Hà (Hà Quảng) - nơi có chợ phiên biên giới Sóc Giang của người dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc cho biết: Đồng bào mình đi chợ phiên giáp Tết thường tìm mua sắm quần áo, vàng hương, rượu thịt, gia đình mình đã chuẩn bị sẵn rồi. Hôm nay, phiên chợ cuối cùng của năm nên mình xuống chợ uống rượu, gặp bạn nói chuyện năm cũ, cầu mong năm mới may mắn và hẹn nhau đi chơi hội xuân năm mới.
Chợ phiên giáp Tết ở vùng cao với nét đơn sơ vốn có đã làm nên một bản sắc riêng khác xa đô thị. Người đi mua sắm Tết tại phiên chợ cuối năm phải cố lách giữa đám đông để mua đầy đủ các thứ đồ cần dùng trong ngày Tết. Hàng dù đắt, rẻ, dù vừa ý hay không thì ngày chợ cuối này đều phải mua vì đây là phiên chợ hết năm. Mỗi bà mẹ dắt theo con nhỏ mua quần áo mới cho con diện Tết, các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm.
Họ đi từng tốp từ 3 - 5 người kéo nhau lên đầu chợ, rủ nhau quay về cuối chợ, mắt nhìn khắp chợ, chân nhón kiễng lên để nhìn, để tìm giữa dòng người tấp nập cô gái ưng mắt hay làm họ xao xuyến để tìm hiểu, để hẹn nhau Tết đến nhà chơi và cùng đi hội xuân. Còn những người đàn ông vui với bạn bè bên chén rượu ngô thơm lừng làm cho cuộc vui cuối năm của họ càng thêm nồng ấm. Vì thế, người ta thường nói đông vui như chợ Tết cuối năm là thế.
Chợ phiên cuối năm giáp Tết vừa là nét đẹp trong sinh hoạt đời sống vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi vùng non nước Cao Bằng. Cứ mỗi độ xuân về, không gian văn hóa đầy màu sắc, vẻ đẹp của chợ vùng cao khiến con người bâng khuâng, da diết. Với những người con xa quê thì trong tâm khảm luôn thổn thức nỗi nhớ phiên chợ giáp Tết khi tháng Chạp về.
Xuân Lam, báo Cao Bằng