Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng bên chiếc mô tô gắn bó suốt hành trình xuyên Việt
“Hãy cứu biển” và những điều ám ảnh… |
Tại triển lãm với chủ đề “Hãy cứu biển” nhân kỉ niệm Ngày môi trường thế giới (5.6) và Ngày đại dương thế giới (8.6) tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ về những kỉ niệm trong quá trình thực hiện bộ ảnh, về những nhà đò chở anh qua sông miễn phí khi biết về mục đích chuyến đi của anh, về những con người bình dị trong đêm tối vẫn đưa anh đi ăn lót dạ sau một ngày dài lăn lộn cốt chụp được những tấm ảnh đẹp… và trên hết, ấn tượng đến ám ảnh về những nơi anh đặt chân đến mà tự hỏi rằng “không tưởng tượng nổi mình đang ở đâu đó trên trái đất này”.
Thay khoe lá, rừng phòng hộ ven biển Thanh Hóa "khoe" nilon giăng mắc trên cây
Rác ở khắp nơi, người dân phơi cá ngay trên bãi rácNhững đứa trẻ vui vẻ chơi đùa bên bờ biển ngập rácÔng Bảy Long 12 năm sống cùng bãi rác ở Côn Đảo
Trẻ con chơi với rác trên bãi biển
“Có những nơi tôi đặt chân đến, trẻ con hàng ngày vẫn bơi lội giữa xung quanh ngập đầy rác thải, người lớn cũng vậy, họ ăn uống, sinh hoạt ngay cạnh những bãi rác lộ thiên khổng lồ. Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là, từ trong ý thức, dường như họ đã không nghĩ rác là bẩn.”- nhiếp ảnh gia Lekima Hùng bộc bạch.
Những khoảnh khắc chân thực được bộc lộ dần sau hành trình kéo dài khoảng 1 năm ròng, và những ám ảnh về lãnh địa của rác trên những cung đường khiến anh vô cùng trăn trở.
“Trên hành trình rong ruổi của mình, tôi lang thang ở những bãi rác khổng lồ, trò chuyện với những phận người thu gom rác tồn tại lay lắt với mức lương 2 triệu/tháng và cả đời chỉ ước mơ… có bảo hiểm, về những ngôi nhà không có thùng rác ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), nơi họ nghĩ rằng cứ vứt rác xuống sông và sông sẽ cuốn trôi mọi thứ...và cả những nơi người dân phải tự đốt rác bên cạnh… lò xử lý rác bởi quá tải…”
Người dân đốt rác ngay cạnh... lò xử lý rác
Có những nhân công thu gom rác sống với mức lương 2 triệu/tháng và cả đời chỉ mơ... có bảo hiểmChợ nổi Cái Răng - những gia đình không có thùng rác
Dường như, người ta chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn rác thải nhựa. Cuộc trò chuyện với giám đốc nhà máy xử lý rác thải được cho là hiện đại nhất thế giới tại Quảng Bình khiến anh vỡ lẽ rằng: “Tất cả rác trên trái đất đều do con người tạo ra và thực sự là đều có thể xử lý được, nếu đồng lòng”.
Tất cả rác thải trên trái đất đều do con người tạo ra
“Nhưng vấn đề là người ta chưa dành cho rác sự quan tâm xứng đáng” – nhiếp ảnh gia Lekima Hùng nhấn mạnh.
“Chỉ có hành động mới làm nên thay đổi” |
Với hơn 3000km đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông và 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ đất liền. Để hạn chế tình trạng này, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đề xuất về giải pháp kiểm soát rác thải tại các cửa sông.
Cửa xả thải ven biển Đà Nẵng
“Trên hành trình đi dọc đất nước, lần đầu tiên tôi mới biết Cửu Long giang là gì, đất nước Việt Nam nhiều sông ngòi ra sao, chỉ hơn 10-20km, tôi lại có thể bắt gặp một cửa sông. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc kiểm soát rác thải tại chính các cửa sông để hạn chế nguồn rác xâm nhập vào biển?” - anh Hùng đặt câu hỏi.
Ai còn nhận ra danh thắng Hòn Phụ Tử, Kiên Giang?
Với việc mất 1 năm tìm hiểu về rác thải nhựa, rong ruổi trên hành trình kéo dài 7000km để kể câu chuyện về cuộc phiêu lưu không biên giới của rác, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng mong muốn những bức ảnh sẽ phần nào nâng cao nhận thức của mọi người về rác, để thôi thúc họ hành động.
Khẩu hiệu thôi là không đủ, phải hành động!
Hãy bắt đầu từ trẻ em |
“Tôi kêu gọi các trường học cấm hoàn toàn đồ nhựa sử dụng 1 lần, đó là cách hữu hiệu nhất để giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Các công viên, các hòn đảo có thể cấm việc mang túi nilon đến, các siêu thị hãy sử dụng giải pháp thay thế để đựng đồ, các doanh nghiệp sản phẩm nhựa hãy thể hiện trách nhiệm đối với xã hội bằng việc tái chế và giảm thiểu sử dụng nhựa.”
Hãy ngừng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần
“Tuy nhiên, ý thức thôi chưa đủ, tôi mong muốn Nhà nước ban hành một chế tài đủ mạnh để đảm bảo những việc đó được thực thi mạnh mẽ và quyết liệt hơn” – nhiếp ảnh gia Lekima Hùng nhấn mạnh.
Anh Vũ – Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey