Cà phê chồn là cái tên không lạ lẫm gì với những tín đồ sành cà phê. Được đánh giá là loại cà phê thượng hạng với mùi vị đặc biệt và mùi hương độc đáo, cà phê chồn là đặc sản của Tây Nguyên- vùng đất vốn được biết đến là thánh địa của cà phê Việt Nam.
100% loại cà phê chồn được tạo ra bởi loài chồn hương. Các chuyên gia tự nhiên này sẽ tuyển chọn những quả chín, ngon nhất để ăn, sau đó enzyme tiêu hóa trong dạ dày loài động vật này sẽ làm thay đổi các phần tử bên trong hạt cà phê. Hạt cà phê trở nên cứng, giòn, ít protein hơn nên giảm độ đắng, tạo ra một hương vị mạnh.
Điểm đặc biệt nhất ở cà phê chồn Đắk Lắk là sau khi trải qua quá trình tiêu hóa của chồn, mùi cà phê rất đậm đà và phảng phất mùi chocolate. Vì vậy những ai đã trải nghiệm loại cà phê này đều miêu tả là nó có mùi mốc rất hấp dẫn, ngọt ngào như siro, hương vị đậm đà nhưng lại thoang thoảng vị caramel, chocolate, đắng nhưng rất dễ chịu.
Thức ăn cho chồn hương là những trái cà phê chín, ngon nhất. Ảnh: Mytour
Ngày nay, chồn tự nhiên ngày càng hiếm nên người nông dân đã xây dựng những trang trại nuôi chồn hương để sản xuất cà phê chồn. Mỗi ngày, một con chồn tiêu thụ khoảng 200 gram trái cà phê tươi và cho ra khoảng 60 gram cà phê nhân. Chồn thường ăn cà phê vào buổi chiều tối, sau khoảng 4 giờ thì những hạt cà phê được thải ra ngoài.
Tùy vào thời gian nhưng thường là ngay lập tức được người nông dân thu gom và đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau khi phân chồn khô đi, người nông dân sẽ tách hạt cà phê khỏi phân chồn rồi đem đi rửa sạch, thỉnh thoảng chà nhẹ cho lớp vỏ thóc bong ra.
Những cục cà phê phân chồn. Ảnh: Cafechon
Sản lượng ít, cộng thêm quy trình sản xuất vừa tinh tế, vừa phức tạp, đó là lý do vì sao cà phê chồn Đắk Lắk được xếp vào hàng “xa xỉ phẩm”. Mức giá để sở hữu 1kg cà phê chồn lên đến hàng chục triệu đồng.
Nhưng đắt xắt ra miếng, nếu đã một lần thử qua loại cà phê này, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị tuyệt vời của nó. Vị đắng dịu hòa quyện với vị thanh tao, tạo dư vị ngọt ngào, lưu luyến mà tinh tế.