Trước đây, người dân ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường nên dù đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2015, họ phát triển cà phê đặc sản. Khác với sản xuất, chế biến cà phê thông thường, dòng cà phê cao cấp – cà phê đặc sản được trồng chế biến đòi hỏi công phu hơn nhưng đã đem lại giá trị cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.
Cà phê đặc sản này phải hái chín đến 90%, đồng thời áp dụng phân bón đúng số lượng và hàm lượng cho nên giảm công và chi phí.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2- 9 Đăk Lăk là đơn vị tiên phong sản xuất cà phê đặc sản. Bước đầu, với thương hiệu “Fine Robusta Buôn Ma Thuột” công ty cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm cà phê đặc sản các loại với giá tăng thêm khoảng 40% so với giá thị trường.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thị trường cà phê đặc sản được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước Châu Âu, Nhật Bản... Thị phần loại cà phê này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy rằng, thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê. Tại Đăk Lăk, trong niên vụ 2017-2018, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia thử nếm đánh giá chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đồng thời, sự xuất hiện của cà phê đặc sản còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê.
Cà phê đặc sản đang là xu hướng phát triển mới ở Việt Nam.
Dịp lễ hội cà phê sắp tới chính là dịp để Đăk Lăk quảng bá những thành quả phát triển ban đầu theo xu hướng này. Để từ đây, cà phê đặc sản Đăk Lăk nói riêng, Việt Nam nói chung, lan tỏa rộng rãi ở thị trường trong nước và dần chinh phục thị trường thế giới.
Hương Lý, VOV Tây Nguyên