Thịt chua:
Thịt chua là món ăn nổi tiếng của vùng đất cổ Thanh Sơn, Phú Thọ. Thịt lợn sống được thái mỏng, ướp gia vị và trộn thính, cho vào các ống nứa lót lá ổi rồi treo ở nơi khô ráo khoảng 4-5 ngày để thịt lên men tự nhiên. Tùy từng vùng miền mà cách chế biến thịt chua lại khác nhau.
Thịt chua thường được ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi. Khi ăn, vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì hòa quyện với vị chua chua của thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt tạo nên một hương vị rất riêng của món ăn này.
Thịt chua. Ảnh: Phuthopost.com
Bánh tai:
Bánh Tai còn có tên gọi khác là bánh Hòn, là đặc sản lâu đời của Phú Thọ. Bánh có hình dạng giống cái tai, đặc trưng với lớp vỏ ngon bùi làm bằng gạo tẻ và phần nhân thịt lợn thơm phức khiến ai đã một lần ăn sẽ nhớ mãi.
Một trong những địa chỉ làm bánh tai nổi tiếng nhất Phú Thọ phải kể đến là cơ sở làm bánh tai truyền thống hơn 5 đời của gia đình cụ Nguyễn Thị Định ở phố Bạch Đằng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Ảnh: dacsanthonque.com
Trám om kho cá:
Trám om kho cá không chỉ là đặc sản nức tiếng đất Tổ mà còn nổi danh khắp vùng Đông Bắc Bộ. Bất kỳ ai nếm thử món ăn này cũng đều cảm thấy vô cùng thích thú, khi cảm nhận được từ vị chua chua của quả trám ngấm vào từng miếng thịt cá ngọt thơm, kết hợp thành vị béo ngậy bùi bùi trong miệng.
Vào những ngày thời tiết hơi se lạnh mà được thưởng thức món trám om kho cá Phú Thọ cùng với một bát cơm trắng truyền thống thì quả thật không gì sánh bằng.
Trám om kho cá. Ảnh: Mytour.vn
Rau sắn muối chua:
Mọi người thường ăn củ sắn, chứ không mấy ai từng nếm thử rau sắn. Đến Phú Thọ, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức món rau sắn muối chua (còn gọi là dưa sắn) từ lâu đã rất quen thuộc với người dân vùng trung du này.
Rau sắn dùng để muối chua thường là loại lá sắn được trồng ở các bờ rào hoặc bờ ruộng (chứ không lấy lá của cây sắn trồng lấy củ). Búp sắn non được ngâm nước cho bớt nhựa rồi vò nát, trộn thêm chút muối rồi đem bỏ vào vại ủ chua khoảng 4-5 ngày. Rau sắn muối được ăn kèm với các món khác, đem xào hoặc nấu cá đều rất ngon.
Rau sắn. Ảnh: Thesaigontimes.vn.
Rêu đá:
Rêu đá được coi là loại thực phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao. Ngày nay, món rêu đá đã trở thành một sản vật nức tiếng chỉ có ở Phú Thọ. Muốn chế biến thành món ăn ngon, phải “bắt” được rêu sạch và non, vốn chỉ có ở những tảng đá to (nơi rêu bám vào để phát triển) ở những nơi nước chảy xiết.
Rêu được lấy về, làm sạch rồi đem trộn với tỏi thái mỏng, muối, mì chính, hành và chút mỡ lợn rồi đem gói trong nhiều lớp lá đu đủ. Bọc rêu được đem vần than nóng cho tới khi lá đu đủ cháy đen, khi đó hương vị rêu hòa với tỏi và các gia vị, tạo ra một vị ngon đặc biệt.
Rêu đá là thực phẩm truyền thống của người Mường, Dao. Ảnh: Depplus.vn.
Những món ăn bắt nguồn từ Phú Thọ khá mộc mạc, dân dã nhưng thấm đượm hồn đất, tình người, làm nên hương vị khó quên của mảnh đất trung du giàu truyền thống này.