Ai đã có có dịp đến Phú Thọ chắc hẳn sẽ không quên được những làn điệu hát xoan, những món ăn đặc sản núi rừng và cả những làng nghề truyền thống mang đặc trưng riêng. Trong đó, xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, Phú Thọ từ lâu nổi danh với làng nghề làm bún, làm mì ngon được nhiều khách thập phương biết đến. Nghề làm bún, làm mì ở đây không đơn giản chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là thức quà quen thuộc mỗi khi khách du lịch đến với mảnh đất nơi đây.
Được biết, làng làm mì Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004. Tháng 7/2016 hợp tác xã mì gạo Hùng Lô được thành lập để chủ động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Quyền thương hiệu cho sản phẩm mì, bún sạch của làng cũng được đăng ký.
Nghề này không đòi hỏi phải có nhiều vốn, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều và được làm rải rác khắp các khu ở xã Hùng Lô. Trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 27 hộ gia đình, cơ sở sản xuất đang phát triển nghề làm mì gạo này.
Những sợi mì gạo Hùng Lô trắng ngần được phơi khô sau khi tạo thành sợi
Quy trình làm làm mì, bún
Chúng tôi ghé thăm cơ sở làm mỳ truyền thống của gia đình anh Cao Đăng Duy, khu 9- xã Hùng Lô vào một buổi chiều nắng. Trước mắt chúng tôi là những giàn mì phơi trên những cây tre, cây nứa dựng trên một khoảng đất trống rộng.
Mì, bún sản xuất sạch không chất bảo quản của gia đình anh Duy
Với diện tích nhà xưởng khoảng 400m2, anh Duy đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất thay vì làm thủ công như trước đây. Đồng thời cơ sở sản xuất mì của anh cũng đảm bảo sản xuất sạch, đã được kiểm định, là thương hiệu mì đươc bảo hộ, nói không với hàn the và chất bảo quản.
Theo anh Duy, để có sản phẩm mì ngon thì bí quyết chọn gạo là vô cùng quan trọng. “Tôi thường làm mì từ gạo khang dân, chọn những hạt gạo đều, to không lẫn tạp chất của những loại gạo khác. Như vậy sản phẩm mì được làm ra sẽ thơm ngon và giai hơn.”
Quy trình vo gạo của anh Duy khá cầu kỳ do sản phẩm mỳ bột nước của gia đình không sử dụng hàn the và chất tẩy trắng. Quy trình này trải qua 4 bước để đảm bảo độ trắng sáng của gạo. Gạo sau khi vo bằng hệ thống máy sẽ được rửa lại bằng nước sạch, sau đó đem ngâm. Mùa hè thường ngâm từ 3 đến 4 tiếng, mùa đông từ 6 đến 7 tiếng để gạo nở đúng độ. Sau khi ngâm xong gạo được rửa lại bằng nước sạch rồi tiến hành xay thành bột.
Từ năm 2017, hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đã được liên minh hợp tác xã Việt Nam, liên minh hợp tác xã Phú Thọ hỗ trợ đầu tư máy tách bột hút chân không để tạo ra sản phẩm mì thơm, ngon, dẻo, dai, không bị chua.
Mỳ sau khi được cán thành sợi sẽ được ủ khoảng 12 tiếng để mì có độ tơi, sau đó công nhân tại xưởng sẽ tiến hành giũ các sợi mỳ để phơi, công đoạn này thường được thực hiện vào sáng sớm để mỳ được phơi khô ngay trong ngày.
Anh Duy tay cầm sợi mì đã được chế biến xong, miệng cười vì thành quả của mình chia sẻ thêm: “Mì sau khi được cán thành sợi thì khâu phơi mì là rất quan trọng. Mì phải được phơi thật khô để khi đóng gói đảm bảo mì ngon không bị mốc và ẩm ướt.”
Sau khi mỳ được phơi khô sẽ được chuyển ra xưởng để thực hiện khâu đóng gói. Những đôi tay của công nhân rất tỉ mỉ từ mọi khâu để có thể tạo ra những sản phẩm mì chất lượng. Mì được đóng gói thành các túi nhỏ và túi lớn rất đẹp mắt.
Những người giữ lửa nghề
Không biết nghề làm mì gạo Hùng Lô có từ bao giờ chỉ biết nó đã có từ lâu đời. Người xã Hùng Lô cứ truyền nghề cho nhau từ lớp này qua lớp khác, gắn bó với nó.
Anh Duy tâm sự: “Làm nghề nào thì yêu nghề đấy. Ngày xưa điều kiện gia đình khó khăn nhưng nhờ nghề này mà gia đình tôi bây giờ cũng bớt khổ. Mì có thương hiệu rồi lại càng vui. Chỉ mong nhiều người hơn nữa sẽ biết đến mì gạo Hùng Lô để chúng tôi có thêm động lực để sản xuất ra những sợi mì ngon nhất phục vụ bà con.”
Những món ăn được chế biến từ mì, bún, gạo Hùng Lô
Đến khu phơi mì của một hộ khác gần đó, chị Ngô Thị Thùy- công nhân làm mì, bún lâu năm tại đây nhiệt tình gợi ý những món ăn ngon làm từ mì, bún. Chị lấy tay quệt mồ hôi trên trán, vừa cầm cái nón quạt vừa chia sẻ với chúng tôi: “Tôi làm công nhân làm mì cũng gần chục năm. Khâu nào tôi cũng làm rồi. Khó khăn vất vả là thế nhưng đổi lại sợi mì ngon cũng xứng đáng lắm.”
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, khu 9 xã Hùng Lô. Khi được hỏi về nghề truyền thống làm bún, mì, chị Hằng cười giòn tan kể lại: “Tôi không biết nghề làm mì gạo có từ bao giờ trong gia đình. Từ hồi bé đã thấy các cụ nhà tôi hay làm. Những hình ảnh ấy cứ theo suốt tuổi thơ tôi và cái nghề cứ ngấm vào máu thịt bao giờ không biết.”
Hiện nay khi thực phẩm bẩn và thực phẩm không rõ nguồn gốc đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội, thì một sản phẩm mì gạo sạch được đăng ký thương hiệu bảo hộ như mì gạo Hùng Lô là một tín hiệu vui và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Mì gạo Hùng Lô đã trở thành thức quà quen thuộc mà ai có dịp đến với Phú Thọ cũng sẽ nhớ về. Nhớ về những sợi mì dai, ngon và cả những người làm ra nó.
Lê Huyền/ Báo Thương hiệu và Pháp luật