Bãi tắm hoang sơ ở bản Cỏi được du khách tìm đến khám phá và trải nghiệm.
Nằm cách trung tâm xã chừng 5km, bản Cỏi hiện có 92 hộ dân, 410 nhân khẩu trong đó 100% là đồng bào dân tộc Dao. Với vị trí địa lý tự nhiên nằm tựa lưng vào núi Ten có độ cao trên 1.000m (so với mực nước biển), bản Cỏi mang vẻ ngoài bình yên trong lành.
Thời điểm chúng tôi đến bản đang vào vụ gặt, hương lúa thơm thoang thoảng trong không gian. Quyết định dừng xe, bỏ giày lội qua suối, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh người dân nơi đây thu lúa đã gặt và tuốt lúa ngay tại đồng. Những chú trâu thảnh thơi nằm dưới bóng cây sung già gần dòng suối càng tạo nên một vẻ đẹp yên bình, chậm rãi của vùng cao.
Lang thang dọc các lối đi trong bản, không gian ở đây khá tĩnh lặng, ghé thăm nhà ông Đặng Thế Toàn - già làng có uy tín của bản, chúng tôi được ông Toàn cho biết: “Do nhiệt độ ở đây thường lạnh hơn nên nhân dân trong bản thu hoạch lúa chiêm muộn hơn khoảng một tháng so với đồng bằng. Với tập quán chủ yếu lao động sản xuất nông nghiệp nên từ sáng sớm những người trong độ tuổi lao động đã lên nương bẻ ngô, nhổ lạc, đi vào trang trại chăn nuôi trên núi cách nhà chừng vài cây số, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ”.
Những người phụ nữ Dao thường tự chuẩn bị và may những trang phục truyền thống của dân tộc mình với thời gian hoàn thành mất gần 2 năm.
Theo chân anh Đặng Văn Thu, trưởng khu dân cư chúng tôi tiếp tục khám phá cảnh quan thiên nhiên trong rừng, đứng trước những cây chò chỉ cao bằng toà nhà hay cây nghiến cổ thụ gốc to 3 người ôm không xuể mới càng thấy khâm phục người dân bản Cỏi bởi ý thức gìn giữ giá trị vô giá của thiên nhiên.
Trên cung đường xuyên rừng, chúng tôi được tận mắt nhìn, nghe kể về câu chuyện của gà chín cựa, chuối cô đơn, về cánh rừng chò chỉ đẹp nhất nhì Tây Bắc và hệ thống hang động đá vôi đầy bí ẩn. Ở giữa lưng chừng của núi rừng là thác Tiên trong lành, mát lạnh; tựa như một bài hùng ca của thiên nhiên giản dị và đáng quý như người bản Cỏi nơi đây.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, bản Cỏi bỗng trở thành một cái tên được nhiều người tìm kiếm trong danh sách điểm đến của dân nghiền du lịch. Có lẽ vì có sự quan tâm đầu tư, hướng dẫn của chính quyền các cấp, bản Cỏi là điểm đến đầy mong đợi khi đến thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn, bởi môi trường xung quanh khá sạch sẽ, cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực dân dã nơi đây. Vào tháng 12 âm lịch hàng năm, khung cảnh bản Cỏi càng trở nên lung linh rực rỡ với sắc đỏ của hoa trạng nguyên ở hai bên đường vào bản.
Bản Cỏi hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao như: Các nghi thức, nghi lễ (nghi thức mặc trang phục dân tộc trong các lễ hội, lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc…); các điệu múa (múa chiêng, múa Lập tĩnh)…; các nghề thủ công nấu rượu, nhuộm vải… Du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Cỏi một ngày sẽ được tham gia các hoạt động sinh hoạt, ăn và ngủ cùng đồng bào được thưởng thức các món đặc sản địa phương như: Canh măng rêu đá, cá suối chiên giòn, canh rau sắng.
Với mục tiêu xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trong đó có cộng đồng dân tộc Dao tại bản Cỏi - Xuân Sơn để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội làm giàu cho đồng bào dân tộc Dao.
Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn chia sẻ: Hiện nay, Dự án bảo tồn và phát triển gà nhiều cựa qua thời gian triển khai đang đạt kết quả tốt; việc khôi phục nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà ở của người Dao, người Mường tại xã Xuân Sơn nhằm đưa vào sử dụng homestay được nhân dân đồng tình ủng hộ; một số hang động đã từng bước được đầu tư khai thác phục vụ tham quan. Tour du lịch Xuân Sơn - Đền Hùng của Trung tâm xúc tiến du lịch triển khai đang có số lượng lớn du khách đến với vườn Quốc gia Xuân Sơn, đặc biệt là bản Cỏi ngày càng tăng; đó là tín hiệu rất đáng mừng đối với chúng tôi.
Những người nông dân tự gặt lúa và tuốt lúa thủ công bằng những dụng cụ thô sơ.
Chiều dần buông, mặt trời nhuộm đỏ cả dòng suối chạy dọc cạnh bản nay đã được người dân tạo thành bãi tắm cho du khách, được phối giữa màu xanh và bóng tối lên vạn vật càng khiến khung cảnh rừng chiều thêm mê hoặc và kỳ bí. Vượt qua chặng đường dài, chẳng gì mãn nguyện bằng cảm giác được ngâm mình trong làn nước tinh khiết nơi đây. Trên đỉnh núi, mây sà thấp xuống dưới chân bản.
Bản Cỏi về đêm, với lửa trại đốt sáng cả một khoảng không gian; tiếng hát hòa nhịp theo tiếng múa sạp vẳng vào từng vạt rừng, với lời cầu mong mùa màng tốt tươi, tình yêu đôi lứa và hạnh phúc giản đơn tưởng chừng chẳng có mối liên hệ nào với cuộc sống quay cuồng bên ngoài sôi động.
Một bản Cỏi bình yên, nhưng có sức quyến rũ kỳ lạ, để rồi khi đã rời bản để trở về với phố thị ồn ào, chúng tôi mới bất chợt tìm được câu trả lời cho điều tôi vẫn băn khoăn suốt cả chặng đường. Rằng bản Cỏi yên bình, tĩnh lặng sao lại hấp dẫn con người ta đến vậy, phải chăng đó là khung cảnh thiên nhiên, là không gian văn hóa mà ở đó đến cách người dân đối xử với bạn bằng tình cảm rất đỗi chân thành, giản dị.
Thu Giang/baophutho.vn