Miền Tây sông nước nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều sản vật nên ẩm thực của khu vực này cũng rất đa dạng. Đi khắp các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn phong phú và mỗi tỉnh lại có danh sách những món ngon riêng.
Có thể nói, Trà Vinh có văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Nếu đã thử các món ăn đặc sản của Trà Vinh thì bạn sẽ khó lòng quên được. Dưới đây là tổng hợp các món ngon và đặc sản Trà Vinh mà Viet Nam Journey gợi ý.
Tôm khô Vinh Kim
Tôm khô Vinh Kim là một trong những món quà quý của Trà Vinh. Tôm khô làm từ con tôm bạc đất ở các cánh đồng ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang. Đặc sản này được chế biến khá cầu kỳ qua nhiều công đoạn, nhất là công đoạn phơi tôm. Sân phơi phải tráng bằng xi-măng, phơi đúng cách và đủ độ nắng để tôm giữ nguyên màu đỏ, không bị bở, đây là bí quyết của làng nghề tôm khô Vinh Kim. Tôm thành phẩm có vị thơm ngon với chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Tôm khô Vinh Kim đã trở thành món quà thân thuộc nhiều bà con Việt kiều và du khách lựa chọn để tặng hay mua về thưởng thức.
Chù ụ
Con chù ụ nhìn hơi xấu xí nhưng là đặc sản chế biến được thành nhiều món ngon
Chù ụ thuộc họ nhà cua, nhưng lại giống con ba khía, nhìn hơi xấu xí với thân hình vuông nhỏ, chậm chạp. Đây là món ăn đặc sản của Trà Vinh, chù ụ có thể chế biến thành nhiều món ngon như nướng, luộc, hấp bia hay rang me. Khi chín chù ụ có màu đỏ au, thịt dai, thơm ngọt.
Hấp dẫn món chù ụ rang me
Con chù ụ thường sống ở các bãi bồi nước lợ, rừng ven biển. Đặc biệt, chù ụ mà lột vỏ vào tháng 2, tháng 3 âm lịch thì có thịt săn chắc, thơm ngon và béo ngậy hơn cả. Đây là món hiếm nên nếu có dịp vào Trà Vinh, du khách không nên bỏ qua.
Nước mắm rươi
Dân gian còn gọi rươi là rồng đất. Rươi thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ, thường sống ở những khu vực tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Loài này hay xuất hiện vào cuối năm nhiều nhất là hai ngày rằm và 30 của tháng 11 và tháng 12 âm lịch.
Mắm rươi khiến các món rau củ và thịt luộc trở nên hấp dẫn hơn
Mắm rươi có vị hậu ngọt, màu vàng nâu. Mắm rươi được dùng trong các món ăn hàng ngày của người Trà Vinh, để chấm các loại như rau, tôm, thịt luộc, nêm với cháo trắng…
Mắm bò hóc
Nghe tới cái tên chắc hẳn ai cũng tò mò về cái tên bò hóc này, có lẽ đây là cách gọi chệch đi của tên gọi theo tiếng Khmer là pro - hok. Mắm bò hóc do người Khmer làm ra, và dần trở thành đặc sản Trà Vinh.
Mắm bò hóc được chế biến rất công phu. Nguyên liệu là các loại cá rô, cá lóc, cá phi…, kết hợp với trái chúc (một loại quả giống chanh leo nhưng có mùi vị khác), củ ngải bún (có mùi giống củ riềng). Cá bắt được đem về làm sạch ruột, vảy, rửa sạch, để ráo. Làm mắm bò hóc quan trọng nhất là cá phải được rửa thật sạch và ướp theo tỉ lệ 1 cá, 1 muối, 1/2 cơm nguội để ủ trong vài tháng sau mới có thể dùng được. Mắm bò hóc rất thơm, là gia vị quen thuộc, luôn hiện hữu trong các món ăn, bữa cơm của người dân Trà Vinh.
Loi choi Trà Vinh
Loi choi có hình dạng giống chiếc đũa nên còn được gọi là cá đũa, chiều dài chỉ tầm 20 cm, thân tròn và trắng. Loi choi thường sống ở các cồn đất mới nổi, bãi bồi hoặc bãi bùn ven sông. Loi choi rất ít và hiếm không phải mùa nào cũng có để đánh bắt.
Loi choi khô
Loi choi có thể dùng để chế biến nên nhiều món, ngon và nổi tiếng nhất là món loi choi sả ớt. Nếu có dịp về Trà Vinh, du khách nên một lần nếm thử món ăn này để cùng xuýt xoa với vị bùi béo của loi choi quyện với vị sả ớt cay cay.
Trái quách
Khi chín, trái quách sẽ tự rơi xuống
Trái quách khi bổ ra, phần thịt quả trông như sô-cô-la
Trái quách, ai nghe lần đầu chắc hẳn sẽ rất tò mò. Đây là trái cây đặc sản quý hiếm, là niềm tự hào của người dân Trà Vinh. Trái quách có màu xám, thịt trái có vị ngọt, thanh mát. Không cần nhọc công trèo lên thân cao hái, khi chín trái sẽ tự rụng xuống đất. Ở Trà Vinh, những ai trồng quách trong nhà bao giờ cũng có một hũ rượu quách, không chỉ để uống và thiết đãi khách khi có dịp mà còn là một vị thuốc bổ.
Dừa sáp Cầu Kè
Dừa sáp là đặc sản chỉ có ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Quả dừa ở đây có đặc điểm cùi dày choán hầu hết trong lòng quả dừa, phần cơm dừa sền sệt, có màu trắng, dẻo như bột. Đây được coi như đặc sản có một không hai ở Trà Vinh, bởi không nơi đâu có giống dừa sáp đặc biệt như ở đây. Dừa sáp có thể được chế biến thành sinh tố, làm kem dừa hay thưởng thức ngay sau khi bổ cũng rất thú vị.
(Còn tiếp)
Phương Anh (tổng hợp)