Cua đồng là một loại sản vật khiến người ta nhớ thương như thế. Món ăn này quen thuộc, dân dã đến mức ai cũng biết. Hoặc ít ra, cũng từng biết qua câu hát nổi tiếng “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”.
Nhà tôi không ở trong đồng, mà nằm lọt thỏm trong phố thị ồn ào. Nhưng cả chục năm về trước, cua đồng nhiều đến mức, ở góc chợ nào cũng thấy chúng. Từ quê ra phố thị, cua đồng được bán với giá vài ngàn đồng/kg, rẻ đến tội. Những hôm nhà túng thiếu, cá thịt dù rẻ vẫn không đủ tiền mua, mẹ tôi lại buồn bã mua mớ cua về, phần thì luộc, phần giã nát nấu canh rau đay, ăn cho qua bữa nghèo. Ăn cua luộc thì phải chịu khó ngồi tỉ mẩn lột từng miếng vỏ dính vào thịt. Còn phần cua giã tay, nhưng nát như xay máy bây giờ, mẹ tôi phải lọc thật kỹ mới có phần thịt cua nổi lên trên tô canh. Anh em tôi còn nhỏ, chỉ cố tìm chút vị ngọt của thịt cua nằm lẫn trong đám vỏ xảm xì, đâu biết nỗi đắng cay trong lòng người lớn.
Bẵng đi nhiều năm, cua đồng lại “lên ngôi”, trở thành thứ đặc sản miền quê muốn ăn cũng không dễ tìm. Giá của chúng vì thế cũng tăng dần, chẳng thua kém thịt cá. Chị Lâm Thị Nàng Kha (33 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) bán cua đồng mấy năm nay cho biết, hiện giờ đang vào mùa, cua bắt đầu nhiều hơn trước. Nhưng cua không phải của đồng quê mình, mà là... cua ngoại, bắt từ đồng ruộng Campuchia.
“Nguồn hàng tôi chia lại từ mối lái, được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu trong ngày. Hôm nào cua ít thì 20-30kg, cua nhiều cả trăm ký, nhưng khách mua nườm nượp, không đủ bán. Cua đồng ở xứ mình tuy còn, nhưng ít lắm, càng lại nhỏ hơn” - chị Kha vừa chia sẻ, vừa luôn tay lựa cua cân cho khách. Chúng tôi trêu chị: bán cua đồng, nhưng vẫn áp dụng công nghệ thông tin hiện đại. Không cần ngồi mỏi mòn ngoài chợ như xưa, gia đình chị chỉ lo mua cua về, khi nào khách cần mua thì “alô”, nhắn tin facebook, zalo... cho chị. Đến trưa, chiều, cả nhà lại vác bao cua ra ngồi trên đường Nguyễn Trãi, xoay qua xoay lại khách đã mua hết sạch.
Giá trị của con cua đồng lên theo thời giá thị trường, từ vài ngàn đồng lên hơn 100.000 đồng/kg. Khách chỉ muốn ăn càng cua, được 300.000 đồng/kg. Rẻ như cua xay cũng phải 70.000 đồng/kg. Theo mức giá này, cua đồng trở thành món ăn xa xỉ với người thu nhập thấp.
Nhưng cua đồng được ưa chuộng cũng là điều dễ hiểu. Chất thịt ngọt tanh lành tính của cua đồng không giống với vị ngọt tanh của cua biển. Chút ít thịt cua đồng chẳng bõ bèn gì so với miệng ăn của con người, nhưng lại chất chứa mùi ruộng đồng, mùi ký ức xưa cũ. “Hồi nhỏ, tôi hay theo bạn bè xem người lớn đặt lọp cua, hứng chí lại rủ nhau đi tìm hang cua, thách đố nhau xem ai bắt được nhiều cua hơn. Bị cua kẹp là chuyện bình thường, không đứa nào sợ. Cua đem luộc, ăn chẳng có bao nhiêu thịt, nhưng thích lắm, vì tự tay mình bắt được. Cứ vui chơi như vậy mà lớn lên. Mỗi khi gặp cua đồng bày bán ngoài chợ, tôi lại nhớ quê, nhớ chuyện cũ, nhất định phải ghé vào mua một ít đem về” - anh Trần Văn Hưng (47 tuổi, ngụ xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ.
Có lẽ về sau, cua đồng vẫn sẽ giữ được vị thế đặc sản “hương đồng gió nội” của mình. Bởi chúng đã đi vào ẩm thực truyền thống của người miền Tây, với những nồi canh cua rau mát lành, tô bún riêu cua thơm phức, dĩa càng cua rang muối... Thậm chí, khi cua đồng ngày càng khan hiếm, người ta lại càng nhận ra giá trị của chúng, biết trân trọng công sức của người vất vả săn cua, đặc biệt là biết giữ gìn môi trường tự nhiên để cua phát triển. Nếu không, đến con cháu đời sau, tụi nhỏ lại ngơ ngác hỏi người lớn: “Cua đồng là gì?”.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, cua đồng là nguồn chất đạm quý. Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cua đồng (bỏ mai và yếm) có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp được 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao: trong 100g cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP… Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương, chữa phong nhiệt. |
Khánh Hưng/tintucmientay.com.vn