Chùa Vĩnh Nghiêm do hai hoà thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiếm bắt đầu xây dựng năm 1964 và hoàn thiện vào năm 1971, lấy nguyên mẫu từ ngôi chùa gỗ cùng tên ở Bắc Giang.
Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 6.000m2, nằm ở số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý), phường 7,quận 3, TP.HCM với không gian thoáng mát, yên tĩnh. Tổng thể kiến trúc chùa gồm: tam quan, toà nhà trung tâm và các bảo tháp. Cổng Tam quan là công trình đồ sộ, dựng theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ tươi uốn cong.
Cổng Tam quan. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn
Toà nhà trung tâm rất rộng, có một tầng lầu và một tầng trệt. Tầng trệt được chia thành nhiều khu vực như nhà thờ tổ, giảng đường, văn phòng, thư viện, lớp học, phòng học,...
Chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng bởi 3 bảo tháp được thiết kế công phu, chạm khắc tinh tế. Tháp Quán Thế Âm gồm 7 tầng cao 40m, đỉnh tháp có 9 bánh xe và Long xa, Quy châu.
Tháp Quan Thế Âm. Ảnh: vietfuntravel.com
Tháp Xá Lợi có 4 tầng, có cầu thang để du khách lên tham quan. Tháp đá Vĩnh Nghiêm gồm 7 tầng, cao 14m, được trổ đá dày đặc, công phu theo phong cách thời nhà Lý – Trần. Đây là tháp đá đầu tiên ở miền Nam cũng là toà tháp cao nhất Việt Nam cho đến nay.
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, các góc mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe pháp luân và các góc có hình đầu phượng.
Kiến trúc độc đáo của Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Instagram @marukeno
Khuôn viên Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Instagram @goosentim
Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là địa điểm cho các tăng ni phật tử đến nghiên cứu phật học mà còn là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cầu may.
Thu Hiền