Theo Rough Guides, các món ăn Việt Nam mang đến hương vị riêng biệt, khó quên. Chúng hội tụ đủ hương vị từ mặn, ngọt, chua, cay... và còn đặc biệt hơn nhờ có nước mắm. Các món ăn sử dụng nhiều loại thảo mộc tươi và không quá cay do phần sốt ớt thường được phục vụ riêng.
Gỏi cuốn
Đây là món được có vỏ bằng bánh tráng có màu trong mờ, cuộn bên trong là rau, thịt lợn hoặc tôm. Một số phiên bản sẽ thêm thịt lợn nướng, chuối xanh, khế chua, chấm cùng sốt đậm đà.
Gỏi cuốn được đánh giá cao dù ở bất kỳ vùng nào.
Gỏi cuốn thường được dùng làm món khai vị tại các nhà hàng ở Việt Nam.
"Nếu du lịch miền Bắc, bạn sẽ thấy chúng còn được gọi là nem cuốn. Nhưng dù có tên gì, chúng chắc chắn cũng rất ngon", tờ này bình luận.
Bánh mì
Tạp chí này nhận xét bánh mì là món ăn đường phố phổ biến nhất ở Việt Nam. Bánh mì Việt Nam xuất hiện từ khoảng thế kỷ 19 với hình dạng giống bánh mì kiểu Pháp, kẹp cùng đủ loại nguyên liệu thơm ngon.
Bánh mì là tinh hoa ẩm thực đường phố Việt Nam.
Các nhân chính gồm pate, thịt bò, thịt gà...
"Nó ngon tới nỗi bạn có thể tìm thấy nhiều phiên bản bắt chước trên thế giới, từ London (Anh) tới New York (Mỹ)", Rough Guides nhận xét.
Bánh xèo
Tờ này gọi bánh xèo giống những chiếc bánh kếp khổng lồ, khá rẻ và đầy ắp nhân. Phần nhân chủ yếu là tôm, thịt lợn, giá đỗ... Chúng được rán, cuốn trong bánh tráng, ăn kèm rau và chấm với nước mắm.
Tạp chí của Anh gợi ý TP.HCM là một điểm đáng để thử bánh xèo.
Tạp chí Anh gợi ý nên thử bánh xèo ở TP.HCM.
Bún chả
Món đặc sản Hà Nội cũng được gọi tên trong danh sách của Rough Guides. Món này được bán trong cả các nhà hàng lẫn quán ăn đường phố.
Thịt lợn được nướng cùng than hoa, ăn kèm bún và các loại rau thơm, chấm nước mắm.
Bún chả được đánh giá cao về hương vị riêng biệt.
"Người Việt Nam thường ăn bún chả vào buổi trưa. Một số người nói nó giống thịt viên hoặc bánh mì kẹp thịt. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ không có hương vị nào giống được nó", tờ này nhận xét.
Phở
Phở là món ăn đặc trưng của Việt Nam, có thể thưởng thức vào mọi bữa trong ngày nhưng chủ yếu là buổi sáng. Món này xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc nhưng hiện đã trở thành biểu tượng của ẩm thực nước ta.
Một bát phở thường có thịt bò hoặc thịt gà, thêm rau mùi, hành lá... Sau khi bát phở được bưng ra, bạn nên vắt thêm ít chanh (hoặc giấm tỏi) và thêm tương ớt để cảm nhận hương vị tuyệt vời.
Phở là biểu tượng của ẩm thực Việt Nam.
Cao lầu
Khu vực miền Trung, đặc biệt Hội An (Quảng Nam), là lựa chọn tốt nhất để thưởng thức cao lầu.
Tương truyền, một bát cao lầu chính hiệu phải được nấu bằng thứ nước riêng. Điều đó khiến Hội An trở thành nơi tuyệt vời để du khách phương xa thưởng thức món cao lầu chuẩn nhất.
Cao lầu là món ngon nổi tiếng của Hội An.
Chả cá
Món này được cho là có nguồn gốc từ Hà Nội. Đây là món chả có nguyên liệu chính từ cá (thường là cá lăng). Đầu bếp thái miếng cá, đem tẩm ướp rồi rán trong chảo mỡ cùng hành thì là.
Ngoài Hà Nội, tạp chí này cũng gợi ý du khách thưởng thức chả cá ở Đà Nẵng. Nhờ vị trí thuận lợi, nguồn hải sản ở đây đặc biệt tươi ngon.
Món chả cá có nguồn gốc từ Hà Nội.
Cơm tấm
Món ăn đường phố "độc quyền" ở TP.HCM được các thực khách phương xa yêu thích. Hiện nay, món này xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam.
Ban đầu, cơm tấm được cho là món ăn của những nhà nông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào những năm mùa màng thất thu, người dân không có gạo ngon để bán. Do đó, họ dùng gạo vỡ (gạo tấm) để nấu ăn vì có sẵn trong gia đình. Loại gạo này cũng giúp người ăn no lâu.
Cơm tấm nổi tiếng không chỉ ở TP.HCM.
Tới đầu thế kỷ 20, món này trở nên phổ biến ở các tỉnh thành Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM.
Thành phần chính gồm trứng, chả, sườn, bì... Tuy nhiên, nó cũng được biến tấu nhiều để phù hợp với khẩu vị từng nơi.
Theo Zing News
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |