Chùa Linh Phước hay còn được biết đến cái tên là chùa ve chai tọa lạc tại số 120 Tự Phước thuộc phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Từ trung tâm thành phố, đi dọc theo Quốc lộ 20 xuống địa phận Trại Mát tìm tượng Phật Di Lặc. Từ đây đi vào khoảng 100m bạn sẽ thấy ngay ngôi chùa được tạo nên từ hàng triệu mảnh ve chai.
Chùa Linh Phước được xây dựng lại từ năm 1990 dưới sự chỉ huy của trụ trì Thích Tâm Vị
Đến đây, ngoài việc dâng hương lễ Phật, Phật tử và du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc ngoạn mục, công phu, ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế.
Với các công trình đều khảm sành sứ với kiến trúc độc đáo, quy mô lớn, chùa Linh Phước là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Đà Lạt và đã xác lập nhiều kỷ lục Việt Nam. Trong sân chùa, Hoa Long Viên hiện ra đầy ấn tượng với con rồng dài hơn 49m được ghép từ hơn 12.000 vỏ chai bia.
Đi vào Chính điện, Tiền Đàn Bảo Tháp hiện lên đồ sộ, dọc hai bên là hàng cột được chạm trổ công phu, họa tiết hình rồng nổi bật toát lên sự uy nghiêm. Hình ảnh con rồng linh thiêng, cao quý, tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh dân tộc dường như xuất hiện khắp nơi trong chùa Linh Phước.
Chùa được “bao bọc” bởi hàng triệu mảnh sành, sứ
Hình ảnh rồng thiêng xuất hiện khắp nơi trong chùa
Với tổng diện tích 6.666,84m2, để hoàn thiện ngôi chùa như ngày nay, các nghệ nhân và Tăng ni người Huế đã xây dựng phần cốt bằng xi măng, sau đó ghép mảnh sành, sứ và tận dụng cả những mảnh ve chai để đắp vào từng bờ tường, góc mái. Mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất đều thể hiện sự tâm huyết, công phu, tỉ mỉ.
Ngoài họa tiết rồng phượng, chùa Linh Phước còn được trang trí bằng các hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu…
Một bức tường khảm sành rất công phu
Tiếp đến là toà Linh Tháp 7 tầng, cao hơn 37m và giữ kỷ lục tháp chuông chùa cao nhất ở Việt Nam. Trong Linh Tháp có treo Đại Hồng Chung nặng đến 8.500kg và được ghi nhận là chuông nặng nhất Việt Nam từ năm 1999. Tuy nhiên, kỷ lục quả chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay thuộc về chùa Bái Đính ở Ninh Bình.
Tháp chuông chùa Linh Phước
Bên dưới tòa tháp chuông là khu vực nơi trưng bày các cổ vật, đá phong thủy, khu vườn tượng sáp và lối vào 18 tầng địa ngục.
Khu vườn tượng sáp là một trong những công trình nổi tiếng của chùa Linh Phước. Những bức tượng sáp mô phỏng hình dáng, gương mặt và tư thế ngồi thiền tu hành của các nhà sư. Nếu chỉ nhìn từ xa, kết hợp hiệu ứng âm thanh nhẹ nhàng, thoát tục, khung cảnh như mơ khiến du khách khó có thể nhận biết được là người thật đang ngồi thiền hay tượng sáp.
Ở chính giữa và nổi bật nhất là tượng hòa thượng Minh Hạ Đức.
Khu vườn tượng sáp di các nghệ nhân người Thái tạo nên
Ngoài ra, có một công trình nữa du khách không nên bỏ qua khi đến chùa Linh Phước là 18 tầng địa ngục. Nghe thì có vẻ khá ghê rợn nhưng công trình này thực sự đã thành công tái hiện câu chuyện nhân quả, con người sau khi chết phải thông qua hành trình vượt 18 tầng địa ngục tìm mẹ.
Rất dễ dàng để tìm thấy "lối vào địa ngục". Bước qua cánh cổng, du khách sẽ lần lượt khám phá khung cảnh Diêm Vương xử án, những hình phạt ứng với việc xấu đã làm trên nhân gian. Dọc con đường đi là những điều về luật nhân quả, báo ứng, góp phần giáo dục con người sống tốt, có tình nghĩa.
Gác cổng địa ngục là "đầu trâu mặt ngựa"
Ngay bên cạnh tòa Linh Tháp là điện thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng bê tông cốt thép cao 17m. Tượng được xác nhận kỷ lục là tượng Phật trong nhà bằng bê tông cao nhất Việt Nam.
Ngôi nội điện có tất cả 3 tầng, các tầng đều được trang trí bởi những hoạ tiết hình rồng, hoa sen tinh xảo. Dọc các hành lang là 324 tượng Quan Thế Âm, mỗi bức cao 3,7m.
Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 17m
Ngay sát bên là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được kết từ 600.000 bông hoa bất tử. Tượng có độ cao tới 18m, nặng 1.630kg, được xác nhận là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng hoa bất tử lớn nhất Châu Á vào năm 2010.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng hoa bất tử
Ngoài ra, khu vực nội viện là nơi sinh hoạt của các chư Tăng trong chùa cũng được xây dựng với kiến trúc độc đáo, gồm 3 tầng. Tầng trên cùng là Tịnh Đường và ao sen lớn hình bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là phòng cho các Tăng chúng. Nằm chính giữa là phòng khách lớn và thư viện của chùa.
Tầng trên cùng của khu vực nội viện
Chùa Linh Phước là một trong những địa danh nổi tiếng của Đà Lạt, là công trình kiến trúc mang đậm bản sắc Á Đông. Nếu có dịp đến Đà Lạt, đừng quên ghé thăm ngôi chùa độc đáo này nhé!
Những lưu ý khi tham quan chùa Linh Phước - Đây là điểm tham quan tự do, không thu phí. - Chùa là nơi trang nghiêm, nên lựa chọn trang phục kín đáo. - Là địa điểm du lịch nổi tiếng nên chùa rất đông khách tham quan. Chú ý đi nhẹ, nói khẽ, không chen lấn xô đẩy. - Rất nhiều nơi trong chùa yêu cầu để giày, dép ở ngoài, nên chú ý kỹ các biển báo. - Chùa mở cửa đến 17:00 hàng ngày. |
Thu Hiền/VOVTV