Sinh hoạt của gia đình bà Ka Dít bên ngôi nhà dài truyền thống. Ảnh: Mai Văn Bảo
Theo truyền thống, người Mạ cư trú thành từng bon (buôn, làng), mỗi bon có từ 5-10 nhà sàn dài. Mỗi nhà sàn dài là nơi cư trú của nhiều thành viên có cùng huyết thống trong dòng tộc. Khi các thành viên trong nhà dài kết hôn, nhà dài của ông bà, bố mẹ, lại được nối dài thêm cho gia đình mới một không gian riêng, nên có khi ngôi nhà dài tới 20-30 m. Bên ngoài nhà dài thường có một kho lúa.
Nhà sàn dài cổ xưa nhất của người Mạ ở Nam Tây Nguyên còn sót lại đến ngày nay, có lẽ là nhà của bà Ka Dít (66 tuổi, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Bà Ka Dít không nhớ nổi nhà làm từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi bà theo chồng về đã ở trong nhà dài. Khung nhà dài của ba Ka Dít làm bằng gỗ, sàn lát tre, mái trong bằng lá mây rừng, ngoài lợp tranh. Sinh hoạt hằng ngày của các thế hệ trong dòng tộc cứ thế nối tiếp nhau cùng nhà dài và bếp lửa không bao giờ tắt.
Ngôi nhà dài vừa xuất hiện bên bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt) trong vòng hai tuần nay là công sức của nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và cộng sự, đang tạo nên một sức hút đặc biệt đối với công chúng. Những người dân ở huyện Cát Tiên đã phải vào rừng tìm lá mây kết thành mái, sợi mây làm dây buộc, chặt tre đan vách và sàn nhà từ nhiều tháng trước. Đặc biệt, cột nhà là những cây gỗ mun có thể tồn tại trên 200 năm. Đây là những cây cột nhà từ nhà dài của gia đình già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư làm từ năm 1976 ở Buôn Go, huyện Cát Tiên. Một điều đặc biệt nữa, là trong suốt quá trình làm nhà dài, người dân không hề sử dụng bất kỳ một cây đinh nào và không cần dùng thước để đo cắt.
Khi ngôi nhà được dựng xong, người Mạ tổ chức cúng nhà mới với vật tế là huyết gà bôi lên các dải dây tua quanh bàn thờ thần mặt trời, thần mặt trăng và cây nêu. Sau đó, tim gan gà đã được nướng hoặc luộc sẽ là vật cúng tế đặt lên bàn thờ. Gia chủ mời bà con thân tộc và những người đã giúp mình dựng nhà cùng ăn cơm và uống rượu cần - là loại thức uống người Mạ rất thích.
Hằng ngày, có hàng trăm người dân và du khách đã đến đây trong sự ngỡ ngàng và thú vị. Ông Nguyễn Hùng và con gái ở gần chợ La Sơn Phu Tử (Đà Lạt), ngày nào cũng ra nhà dài từ khi biết ngôi nhà mới bắt đầu được xây dựng. Ông Hùng thường thích mô phỏng lại những kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn cô con gái 16 tuổi của ông “đã đứng cả mấy tiếng đồng hồ” để ngắm ngôi nhà vừa lạ vừa dễ thương này. Ông Hùng cho biết, luôn khuyến khích con gái quan tâm đến công việc của ông, để con có cảm xúc với núi rừng, với thiên nhiên…
Nhà sàn dài của người Mạ cũng như nhà sàn của các dân tộc thiểu số khác ngày càng không có cơ hội tồn tại, bởi vật liệu dựng nhà sàn như vách, mái, sàn… thường có tuổi thọ ngắn và khó khai thác dần do khan hiếm hoặc đắt đỏ…, và thường cứ 3-5 năm phải thay mới; trong khi các vật liệu xây dựng bền, chắc, hiện đại hiện nay đang rất phổ biến. Không còn nhà dài, các đặc trưng văn hóa và tập quán cư trú của gia đình người Mạ cũng đang dần bị mai một. Chính vì vậy, sự xuất hiện của ngôi nhà dài và các vật dụng trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số bên bờ hồ Xuân Hương đang có một sức hấp dẫn đặc biệt, bất kể ngày hay đêm.
Nhà dài và kho lúa bên bờ hồ Xuân Hương. Ảnh: Tiểu Vân
Già Điểu K’Rư tự đo cắt cây bằng tay và già Điểu K’Banh kiểm tra các mối kết nối được cố định bằng dây mây. Ảnh: Tiểu Vân Già làng Điểu K’Banh làm lễ cúng cho ngôi nhà mới dựng. Ảnh: Tiểu VânNhà dân tộc học Đinh Thị Nga (trái) và cha con ông Nguyễn Hùng bên ngôi nhà dài vừa được dựng lại. Ảnh: Tiểu Vân
Tiểu Vân/ baolamdong.vn