Với hơn 105km bờ biển cộng với thời tiết gần như nắng nóng quanh năm, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lợi thế để sản xuất muối. Toàn tỉnh hiện có 2.371 ha đất làm muối, trong đó có 1.891 ha muối công nghiệp và 480 ha muối nền đất (còn gọi là muối ăn, muối diêm dân). Nếu cả nước có 7 đồng muối lớn thì Ninh Thuận đã có đến 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Tại Ninh Thuận đã hình thành nhiều vùng sản xuất muối, như: Cà Ná (huyện Thuận Nam); các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải)...
Với tổng diện tích làm muối là 445 ha, huyện Ninh Hải hiện là vùng phát triển muối nền đất lớn nhất Ninh Thuận. Hằng năm, diêm dân bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 của năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì kết thúc niên vụ vào tháng 9. Quy trình sản xuất khá đơn giản. Ðối với ruộng muối nền đất, khi bước vào đầu vụ, diêm dân đầu tư hơn mười triệu đồng để san lấp ổn định độ bằng phẳng, tạo"da đất" cho ruộng, sau đó bơm hút nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng bảy ngày thì thu hoạch muối. Cứ thế, xong đợt một, lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch cho đến hết mùa vụ của năm.
Hiện tại, toàn tỉnh Ninh Thuận có gần ba nghìn lao động tham gia sản xuất muối, trong đó có khoảng 30% là lao động thời vụ. Ấy thế nhưng nhiều năm qua, sự phát triển của nghề làm muối ở đây đã không tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh tế. Quanh năm suốt tháng diêm dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng đời sống vẫn bấp bênh. Quả thực để nghề muối đi lên, cần có một tư duy mới, một luồng gió mới thổi vào nghề muối địa phương. Nếu vẫn cách làm muối thủ công, cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên đất, kết tinh ngắn ngày, sản phẩm muối sẽ rất nhiều tạp chất, chất lượng không cao. Nghề muối lại là cái nghề vất vả không kém gì nghề trồng lúa, trông chờ vào thiên nhiên. Năm nào nắng đều đều thì sản lượng khá, nếu mưa rải đều là mất vụ muối. Để giải quyết tình trạng bấp bênh đó, mấy năm nay tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành muối theo hướng tăng dần tỷ trọng muối công nghiệp.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải đã thu hút nhiều hộ diêm dân tham gia. Qua mô hình này, chất lượng muối được nâng cao, năng suất tăng thêm 15% và giá tiêu thụ cao hơn 10% so với cách sản xuất truyền thống của diêm dân địa phương. Từ kết quả trên, nhiều hộ diêm dân trong tỉnh đã tự đầu tư hàng trăm triệu đồng để sản xuất muối theo mô hình tiên tiến này. Bài toán nghề muối ở Ninh Thuận đã có lời giải, vấn đề là các điều kiện cần và đủ sẽ được lập trình như thế nào.
Ninh Thuận đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất, lưu thông muối trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và đến năm 2020. Định hướng của tỉnh là đầu tư cải tạo, nâng cấp các đồng muối công nghiệp hiện có và xây dựng các đồng muối mới để đến năm 2015, đưa tổng diện tích đồng muối toàn tỉnh lên gần năm nghìn ha, trong đó, diện tích thực tế đưa vào sản xuất khoảng bốn nghìn ha. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này là sản lượng muối trung bình hằng năm đạt hơn 600 nghìn tấn, bảo đảm yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng từ tám đến mười nghìn lao động ở địa phương.
Tiềm năng sản xuất muối và công nghiệp chế biến từ muối ở Ninh Thuận vẫn còn rất lớn. Vì vậy, Ninh Thuận cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối; cũng như chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến muối. Có như vậy, Ninh Thuận mới phát huy được lợi thế sản xuất muối ở địa phương, góp phần bảo đảm nhu cầu muối công nghiệp cho cả nước.
Trần Hoàng/thegioidisan.vn