Vào những năm 70 của thế kỷ trước, làng Phùng Xá được mệnh danh là một vựa dâu tằm của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến năm 1984, cây dâu con tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hầu hết diện tích trồng dâu phải chặt bỏ, chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.
Tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường khiến có thời điểm làng chỉ còn vài ba hộ còn làm nghề. Nhưng từ truyền thống một làng nghề lâu đời, bằng lòng yêu nghề, người làng Phùng Xá đã nỗ lực sáng tạo vượt khó đi lên, tìm hướng đi mới cho nghề “cửi canh”, tạo ra nhiều cách thức sản xuất mới, các sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình, phát triển kinh tế hiệu quả từ nghề truyền thống.
Đến nay Phùng Xá có khoảng 28 doanh nghiệp tư nhân,13 công ty cổ phần có quy mô sản xuất lớn, các hộ sản xuất tư nhân, nghệ nhân. Từ nghề truyền thống Phùng Xá không hiếm các triệu phú, trong đó phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Thượng Xá. Theo chị với xưởng sản xuất chừng 200m2, 15 công nhân, mỗi ngày cơ sở của chị Tuyết xuất xưởng 3000 khăn mặt bông các loại, trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng/năm. Hiện Phùng Xá có 2 thôn: Thượng và Hạ thì 1500/1900 hộ làm nghề, trong đó trên 50 hộ kinh doanh lớn. Bình quân thu nhập của công nhân 4-5 triệu đồng/tháng, với các chủ cơ sở sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp thu lãi 1-2 tỷ đồng/năm.
Trong xu hướng tiêu dùng tìm về sự khôi nguyên, tìm về với thiên nhiên… những sản phẩm thủ công, có nguồn gốc tự nhiên được người tiêu dùng đề cao và lụa Phùng Xá, tơ sen Phùng Xá tìm được chỗ đứng trong thị trường trong, ngoài nước. Người tiêu dùng yêu thích những sản phẩm mềm mượt thơm mùi nắng gió, của lụa tơ xứ này mà tìm về.
Lá dâu thu hoạch từ những cánh đồng dâu được người thợ Phùng Xá xử lý để chế biến tại nhà xưởng
Nuôi tằm nhả tơ một hoạt động đặc trưng trong các mô hình sản xuất ở làng nghề
Một xưởng dệt ở Phùng Xá
Nơi đây cách thức dệt lụa thủ công truyền thống lâu đời vẫn được duy trì, điều đó cho thấy kết quả từ sự nỗ lực bảo tồn và phát triển của làng nghề trong thời kỳ hội nhập
Bên cạnh phương pháp dệt thủ công, nhiều gia đình ở làng Phùng Xá cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang bị máy móc mới hiện đại, cải tiến công nghệ, sản xuất nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng như khăn mặt, khăn quàng, chăn, các mặt hàng lụa trang trí, lưu niệm… cung cấp tới thị trường trong và ngoài nước
Trong xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận, người được biết đến với phương pháp dệt lụa từ tơ sen độc đáo, chúng tôi được chia sẻ những điều thú vị và tìm hiểu về cách làm ra những tấm lụa tơ sen
Một góc xưởng lấy tơ sen dệt lụa ở Phùng Xá
Theo những người thợ lâu năm ở đây, để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn thường, một người làm phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3000 cọng sen. Để dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen
Một công đoạn dệt ra những chiếc khăn lụa tơ sen
Bởi sự kỳ công trong chế tác, giá trị của những sản phẩm làm từ lụa tơ sen rất cao, một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen ở Phùng Xá, có giá tới 10 triệu đồng/chiếc
Ở Phùng Xá, chính quyền rất quan tâm đến phát triển kinh tế làng nghề gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, dù phát triển nghề xưa nhưng vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp. Điều đó giúp cho diện mạo kinh tế ở làng nghề thêm khởi sắc, góp phần cho làng lụa luôn rộn tiếng thoi đưa trong thời hội nhập
N Dương/dangcongsan.vn