Tháp Chăm Phú Diên (còn gọi là tháp Mỹ Khánh) nằm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tháp được phát lộ một cách tình cờ vào tháng 4/2001 bởi một đơn vị khai thác quặng. Tháp cổ độc đáo này khi ấy nằm vùi sâu trong lòng cát 5-7 m, thấp hơn mực nước biển 3-4 m và chỉ cách mép nước biển 120 m.
Trải qua 12 thế kỷ, tháp bị vùi lấp trong cát. Hiện tại, công trình được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên.
Mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, tháp Phú Diên đã được công nhận là Di tích quốc gia ngay sau khi phát lộ. Tháng 10/2005, tháp được tiến hành bảo tồn tu bổ và hoàn thành vào tháng 5/2007.
Tháp có kiến trúc hình chữ nhật dài 8,22 m, rộng 7,12 m. Cửa chính tháp quay về hướng đông. Theo các chuyên gia, đây là dạng tháp lùn và là nhóm tháp đầu tiên của kiến trúc tôn giáo Chăm khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu bền vững.
Những nghiên cứu hiện tại xác định niên đại tháp có từ thế kỷ thứ 8 nên đây là một trong những công trình cổ nhất trong số tháp Chăm còn lại trên dọc dải đất miền trung Việt Nam.
Những cấu trúc gạch xây cho thấy tòa tháp cũng sử dụng kỹ thuật xây tháp đặc biệt, không hề có mạch kết dính.
Trong lòng tháp nhìn từ lối vào, ở bên trong có một bệ thờ.
Bệ này được cho là nơi đặt linga (thể hiện đặc tính dương), yoni (tính âm).
Những khối xây dựng đã bị biến dạng nhiều do thời gian và tác động của thiên nhiên sau 12 thế kỷ, nhưng vẫn có thể nhận thấy sự tinh tế, tài hoa của những đường nét, hình khối kiến trúc.
Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít, cao 1,4 m, cạnh dài 1,38 m. Các nhà nghiên cứu cho rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ.
Hà Thành/ vnexpress.net