Một người dân sống ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hào hứng xem đua thuyền ngay trước nhà mình. Ảnh: Hoài Nhân
Từ ở truồng tắm kênh cho đến dòng "kênh chết"
Sáng cuối tuần, hàng trăm người Sài Gòn đã tập trung dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn từ cầu Điện Biên Phủ về cầu Thị Nghè, để xem đua thuyền.
Một không khí náo nhiệt, sôi động diễn ra cả trên bờ lẫn dưới mặt nước mát rượi. Nhưng vui hơn cả, chính là người dân sinh sống dọc hai bên bờ kênh. Nhiều người chia sẻ, có nằm mơ, họ cũng không nghĩ một ngày được xem đua thuyền, các hoạt động dưới nước ngay trước nhà. Khi cách đây vài chục năm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè được “mệnh danh” là “kênh chết”, “kênh bẩn nhất Sài Gòn”!
Đây là giải đua thuyền truyền thống chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Hoài Nhân
Hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, bảo tồn môn đua thuyền truyền thống, qua đó cũng kêu gọi người dân chung tay bảo vệ dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Hoài Nhân
Những người dân “lão làng” sống dọc bờ kênh này vẫn nhớ như in những lần… ở truồng nhảy ùm xuống kênh tắm gội vô tư! Là dân Sài Gòn chính gốc, ông Nguyễn Văn Thành (68 tuổi) cho biết, khoảng những năm 60, hai bên kênh vẫn là đường đất, vắng vẻ và thưa thớt. Những mái nhà cất lụp xụp, xung quanh vẫn còn nhiều đồng ruộng, ao hồ đầy rau muống.
“Con kênh bấy giờ còn trong xanh hà, mọi sinh hoạt như tắm giặt, nấu nướng đều dùng nước kênh. Cứ múc lên đầy lu, lóng phèn là xài thôi. Anh em tụi tôi thì khỏi nói, chiều chiều nhảy ùm xuống kênh, tắm xong lên thay đồ luôn chứ cũng chẳng thèm xối lại. Tôi còn nhớ có một trại nuôi cá tra ở tuốt trong kia! Dân ven kênh tụi tôi ý thức lắm, đi vệ sinh toàn mang ra chỗ trại đó đổ xuống, chứ không làm cầu ở kênh đâu!”, ông Thành kể lại.
Nhưng ông cho biết, chỉ một thời gian sau đó, hai bên bờ kênh bắt đầu mọc nhà dân san sát, mà đại bộ phận là dân lao động nghèo từ khắp nơi dạt về Sài Gòn mưu sinh. Thiếu đất thiếu đai, nhiều người ra hẳn bờ kênh cắm cọc, lót sàn, dựng vách, lợp lá làm nhà tạm. “Những căn nhà vài chục mét vuông chen cứng năm, bảy người ở trỏng. Mọi sinh hoạt đổ thẳng xuống dòng nước. Khỏi nói cũng biết kết quả, nước kênh bắt đầu đen đúa, quánh đặc lại. Mùi cá chết hôi thối xộc vào tận các nhà bên trong đất liền theo chiều gió, ngay bữa cơm thì ráng lùa hết chén rồi bỏ ngang bữa”, ông Thành lắc đầu nhớ lại.
Lịch sử dòng kênh này năm xưa đến cá tôm cũng không sống nổi! Ảnh: Hoài Nhân
Bà Trần Thị Nghĩa (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cũng rùng mình nhớ lại 3 lần gia đình phải dọn nhà vì con kênh. “Tôi gốc Hải Phòng, theo gia đình vào đây ở đâu có đất đai gì. Ba mẹ dựng cái nhà sàn ra xa phía ngoài dòng kênh gần cầu Trần Quang Diệu, nhưng con kênh dần ô nhiễm không sống nổi nên dời nhà về hướng đổ ra sông lớn Sài Gòn, nó đỡ hơn. Hình như theo thủy triều, đoạn kênh càng sâu về phía nguồn sẽ ô nhiễm nặng hơn, do những cái dơ bẩn chưa kịp ra hết thì con nước mới đã đẩy trở vào. Tuy nhiên, do ô nhiễm quá nặng, đến lúc nhà tôi dời tới đoạn cầu Điện Biên Phủ này, nước cũng dần hôi đen theo”.
“Mỗi người có ý thức một chút, để còn coi đua thuyền nữa”
Đứng chỉ tay vào một chiếc thuyền vừa sơ ý bị lật, các vận động viên bơi lõm bõm dưới dòng nước chờ xuồng cứu hộ đến, anh Nguyễn Văn Công (39 tuổi), vừa cười vừa nói: “Mấy năm nay năm nào cũng tổ chức đua, coi vui lắm! Trời ơi, hồi tui còn nhỏ, nằm mơ cũng không nghĩ có con cá con tôm nào sống sót, chứ nói gì mà bơi lội, đua thuyền đua ghe!”
Anh kể, khoảng những năm đầu thập niên 90, chính quyền thành phố đã bắt tay vào cải tạo dòng kênh. Hàng nghìn hộ dân trong nhà ổ chuột được giải tỏa dần, trả lại không gian kênh thông thoáng. Hàng triệu tấn bùn được nạo vét, tiến đến lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh và trạm bơm xử lý nước thải. Ròng rã gần 20 năm, con “kênh chết” mới “hồi sinh”, với bờ kè chắc chắn và cảnh quan đẹp đẽ dọc hai bên tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa.
“Hồi xưa biết bao nhiêu năm luôn đi làm dọc đường này nghe đập đập xây xây um sùm tối ngày hà! Mà năm này tháng nọ nhìn nước xanh dần, nhà cửa khang trang dần thấy mừng lắm! Tới bữa khánh thành cả xóm ai cũng vui, mà giật mình cũng mất mười mấy năm chứ ít gì. Bởi vậy giờ chỉ mong mỗi người làm ơn có ý thức một chút, giữ sạch dòng nước để tui còn coi đua thuyền nữa”, anh Công pha trò.
Sau gần 20 năm cải tạo, dòng kênh đen đúa ngày nào mới "hồi sinh". Ảnh: Hoài Nhân
Biểu diễn Jet ki and Fly board hiện đại trên kênh trong lúc các đội thi đua thuyền đang chuẩn bị. Ảnh: Hoài Nhân
Một nhịp sống văn minh, sạch đẹp đã trở lại với người dân 2 bên bờ kênh nhiều năm nay, nhưng vẫn có những năm, nhiều người phải giật mình vì lượng cá chết dưới kênh.
“Tôi về gần cầu Thị Nghè sống cũng chục năm nay thôi, lúc con kênh đã sạch đẹp rồi. Nhưng cứ hễ có trận mưa lớn đầu mùa, là y như rằng thấy xác cá dưới nước. Nhất là cách đây 3 năm, cá chết trắng luôn, nghe ước lượng đâu vài chục tấn lận! Như vậy, ở trên bờ có một lượng chất độc rất lớn, nên mỗi trận mưa đầu mùa sẽ cuốn xuống kênh”, ông Thanh Tâm (61 tuổi) chia sẻ.
Ông cũng nói thêm: “Nhưng dù sao thì kênh cũng đã tốt hơn rất nhiều rồi. Không chỉ đua thuyền này không đâu, rằm lớn ở cái chùa trong kia còn thả hoa đăng nữa, đẹp lắm. Giờ hy vọng cả thành phố này chung tay bảo vệ môi trường thì mới được”.
Những bến thuyền bên dòng kênh xanh mát. Ảnh: Hoài Nhân
Nhịp sống văn minh dọc đường Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Hoài Nhân
Hoài Nhân/thanhnien.vn
Tối 7/9, UBND TP.HCM tổ chức gala “Tinh hoa gạo Việt” để chào để chào đón các đoàn khách trong nước và quốc...
Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam”. Hội thảo có hơn...
Sáng nay (8/9), TP.HCM khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 (ITE HCMC 2022). Tham dự lễ khai mạc có...
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế từ giữa tháng 3/2022 đến nay, các hoạt động du lịch kèm theo...
Vào ngày 23/7 tới đây, tại Quảng trường The Garden Mall (Quận 5), chương trình “Về Chợ Lớn xem múa Lân” do...
Tối 16/7, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ chào đón đoàn khách du lịch MICE (tức du lịch kết hợp hội...
Mùa hè này được kỳ vọng là thời điểm để ngành du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Vì...
Tối 14/5, TP.HCM khai mạc Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1. Ngày hội năm...
Tối ngày 12/5, hàng ngàn người dân và Phật tử đã đổ về chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM) để tham gia lễ hội thả...
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 sẽ diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1)...
Tối ngày 28/4, tại khuôn viên tòa nhà Landmark 81 ở TP.HCM, lần đầu tiên một lễ hội dành riêng cho gia vị...
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên các khu vui chơi, giải trí ở TP.HCM đang ráo riết lên các...