Người dân làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) sản xuất nón lá. Ảnh: Giang Sơn
Chưa khai thác hết tiềm năng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm nổi tiếng, như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông... Tuy nhiên, thực tế là sản phẩm của các làng nghề vẫn chưa tạo được điểm nhấn riêng để trở thành quà tặng mang tính đặc trưng của Hà Nội.
Tại nhiều điểm đến du lịch của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long… có thể thấy rất ít sản phẩm của các làng nghề được trưng bày ở khu lưu niệm, quà tặng. Dù Hà Nội có tiềm năng sản phẩm quà tặng từ các làng nghề rất lớn nhưng du khách vẫn thường thấy một số sản phẩm quen thuộc như: Tò he Xuân La, chuồn chuồn tre Thạch Xá, gốm Bát Tràng…
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho hay, mỗi năm, các làng nghề của Hà Nội thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho công ty du lịch lữ hành khai thác, tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, những điểm đến mới. Tuy nhiên, hiện hầu hết các công ty du lịch lữ hành mới chỉ dừng lại ở việc đưa khách đến tham quan các sản phẩm của làng nghề, rồi giới thiệu về lịch sử làng nghề, nghĩa là chỉ khai thác những giá trị “bề nổi” của làng nghề.
Lý giải điều này, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng nhận định, các làng nghề hiện nay chủ yếu đưa ra cái mình có, thiếu tính kết nối với các điểm đến để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của du khách. Không những vậy, các làng nghề không có nhiều sản phẩm mới và quan trọng là chưa thể hiện rõ nét riêng. Đó là chưa kể bao bì, mẫu mã sản phẩm thiếu hấp dẫn; công tác quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư thích đáng... Còn ông Nguyễn Văn Sử, Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, nhiều làng nghề chủ yếu làm sản phẩm cung cấp cho thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng điểm đến, thu hút du khách đến trải nghiệm, mua sắm sản phẩm ngay tại địa phương. Đó là lý do khi thị trường bị ảnh hưởng, làng nghề trở nên bị động tìm “đầu ra”.
Thay đổi tư duy
Nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề Hà Nội đã nhận thức được hạn chế nói trên. Ở nhiều nơi, các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm du lịch làng nghề đã nỗ lực tìm hướng đi mới để tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm, trong đó có việc xây dựng dòng sản phẩm không lẫn với các nơi khác.
Theo nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ), bên cạnh những mặt hàng truyền thống như giỏ mây, bàn ghế mây, cơ sở sản xuất của ông đã sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của du khách trẻ như vòng tay, nhẫn làm bằng mây, tre. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) Đỗ Hùng Chiêu cho biết, nhiều sản phẩm sơn mài của làng Hạ Thái đã có sự cải thiện về mẫu mã, được khách nước ngoài ưa thích, như sản phẩm lưu niệm cô gái Việt Nam đội nón, hộp trang sức…
Tuy nhiên, ý thức và hành động sáng tạo của một vài cơ sở sản xuất không thể dẫn tới sự chuyển mình của làng nghề Hà Nội nói chung. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, với xu hướng du lịch thông minh, các làng nghề cần ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong việc quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì để có được sự hài lòng của du khách.
Bổ sung thêm giải pháp cho các làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng gợi ý, thay vì phụ thuộc vào du khách nước ngoài, các làng nghề cần quan tâm xứng đáng tới nhu cầu của khách du lịch nội địa. Đó là điều cần cân nhắc, nhất là khi phát triển du lịch trong nước đang là một trong những giải pháp quan trọng để khôi phục, ổn định thị trường du lịch Việt Nam.
Hiện Sở Du lịch Hà Nội đã đưa ra định hướng, chỉ dẫn cho các làng nghề trong việc tổ chức quảng bá sản phẩm. Sở Du lịch ra mắt ứng dụng giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng công nghệ 3D, cho phép du khách có thể xem chi tiết các sản phẩm, thông tin về nghệ nhân, làng nghề cũng như quá trình thực hiện sản phẩm đó. Ứng dụng này được kỳ vọng là kênh quảng bá sản phẩm của hơn 300 làng nghề cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế. Ngay từ bây giờ, các làng nghề truyền thống cần xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng cao, rõ tính đặc trưng để sẵn sàng phục vụ cho lượng khách lớn đến Hà Nội - cả du khách trong và ngoài nước. Đi đều bằng "hai chân" - đó cũng chính là cách để sản phẩm du lịch làng nghề Hà Nội có chỗ đứng vững chắc trong tương lai.
Theo hanoimoi.com.vn
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...