Voi Bun Kon và P’Lú trong Vườn Quốc gia Yok Đôn
Sau hơn một tháng được thả tự do trong rừng, voi P’Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) đã trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn so với ngày mới thả vào rừng. Chúng thong dong đi lại dưới tán rừng khộp giữa mùa mưa xanh ngát, tự do chọn lựa vô vàn những chồi non cây lá ưa thích để ăn. Bên cạnh chúng, hai nài voi Y Lư Êban và Y Tắc Knul cũng không còn phải toan lo điều khiển voi cho vừa lòng khách du lịch nữa. Họ thong thả ngồi nghỉ ngơi dưới tán rừng nhìn P’Lú và Bun Kon ung dung đi tìm thức ăn...
Chỉ mới hai tháng trước thôi, hai con voi này ngày ngày phải chầu chực ở khu du lịch, phải chịu đói để cõng trên lưng những du khách có nhu cầu trải nghiệm cưỡi voi. Việc phải ròng rã phục vụ du khách trong nhiều năm qua cùng với chế độ ăn uống, chăm sóc không bảo đảm khiến sức khỏe của voi suy yếu hẳn, khả năng tiêu hóa thức ăn kém. Riêng voi P’Lú còn bị bệnh ngoài da mãn tính... May mắn đã mỉm cười với hai con voi này khi chúng nằm trong kế hoạch đưa voi nhà trở lại rừng của Tổ chức Động vật Châu Á nhằm cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe cho những con voi nhà nuôi nhốt.
Hai du khách nhí đang trải nghiệm tour du lịch ngắm voi trong VQG Yok Đôn
Để đưa những con voi này vào rừng, Tổ chức Động vật Châu Á đã dành nhiều công sức thuyết phục đơn vị chủ sở hữu hai con voi này là Chi nhánh Công ty TNHH Ánh Dương - Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn và đạt được thỏa thuận thuê lại chúng. Theo đó, Tổ chức Động vật Châu Á phải trả một khoản chi phí để thuê voi, đổi lại chủ voi đồng ý để tổ chức này thả voi vào rừng, cho voi ăn uống, nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe.
Theo bà Dion Slaughter, chuyên gia phúc lợi về voi của Tổ chức Động vật Châu Á, voi sinh sống trong môi trường nuôi nhốt, buộc phải lao động để phục vụ con người sẽ khiến sức khỏe, tinh thần của chúng giảm sút, dẫn đến tuổi thọ cũng sẽ giảm theo. Ví dụ như voi nuôi nhốt phải đứng lâu một chỗ, di chuyển trên nền đường xi măng, nhựa cứng thường bị nứt chân; bị xích bằng xích sắt, bị đánh bằng cây sắt nhọn sẽ tạo nên những vết thương ở da; và chúng cũng không được lựa chọn những thức ăn mà mình ưa thích… Khi được thả vào môi trường tự nhiên, voi được tự do di chuyển, lựa chọn loại thức ăn, được thể hiện tính cách của mình mà không bị áp chế... Đây là những điều kiện quan trọng để cải thiện sức khỏe cho voi.
Voi H'Non trong VQG Yok Đôn
Không riêng gì hai cá thể voi P’Lú và Bun Kon được hưởng “đặc ân” từ Tổ chức Động vật Châu Á, cách đây hơn một năm, voi cái H’Non (62 tuổi) cũng đã được thuê lại để cho vào rừng thuộc VQG Yok Đôn nghỉ dưỡng. Trước khi được “giải cứu” khỏi cảnh xiềng xích và phục vụ khách du lịch, H’Non là cá thể voi gầy còm, ốm yếu, một mắt bị hỏng, đi lại khó khăn. Những người lạc quan lắm khi nhìn vào H’Non cũng lắc đầu ái ngại vì nghĩ nó sẽ không sống được lâu nữa. Thế nhưng từ ngày vào rừng đến nay, sức khỏe của nó khá lên hẳn, việc ăn uống, vận động đều hoạt bát hơn. Giờ đây, H’Non lang thang khắp những cánh rừng để khám phá, tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, nó còn đang “bắt cặp” với con voi rừng dính bẫy bị thương đã được lực lượng chức năng cứu hộ trước đây để vui chơi, bầu bạn.
“Có thể khẳng định những con voi nhà này đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Qua đây, chúng tôi muốn những người sở hữu voi thay đổi cách đối xử với những con voi nhà nuôi nhốt theo hướng tốt đẹp hơn”, bà Dion Slaughter khuyến nghị. Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thanh Thanh, Cán bộ giáo dục phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, hiện nay thỏa thuận thuê voi được ký theo thời hạn từng năm. Tổ chức Động vật Châu Á hy vọng thỏa thuận này sẽ được kéo dài trong nhiều năm tới để những con voi nhà có thời gian, điều kiện để cải thiện thể chất lẫn tinh thần...
Phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi Ngoài mục tiêu cải thiện sức khỏe cho voi, việc thuê voi để thả vào rừng của Tổ chức Động vật Châu Á cũng góp phần hỗ trợ Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn phát triển, mở rộng hoạt động du lịch thân thiện với voi, nâng tổng số voi tham gia hoạt động này lên 6 con. Trước đó, tháng 7-2018, Tổ chức Động vật Châu Á và VQG Yok Đôn đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi (chỉ đứng từ xa ngắm nhìn những hoạt động của voi, nói không với hoạt động cưỡi voi). Theo đó, Tổ chức Động vật Châu Á hỗ trợ 65.000 USD cho VQG Yok Đôn để triển khai mô hình này trong khoảng thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2023. Phía VQG Yok Đôn cam kết không sử dụng ba con voi thuộc sở hữu của Vườn để tham gia các hoạt động du lịch. |
Theo Báo Đắk Lắk Điện tử
Lễ hội Đêm trắng Ban Mê sẽ được tổ chức tại Đắk Lắk với sự tham gia của hoa hậu H’Hen Niê trong vai trò đại...
Sau một thời gian dài phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện tại, du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk đã...
Sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tối 14/5, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn...
Sáng 22/4, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt...
Ngày 1/5 tới đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk sẽ phối hợp với nhạc...
Sáng 19/4, Bảo tàng Đắk Lắk khai mạc trưng bày chuyên đề Hồn tre Tây Nguyên với nhiều hoạt động trải nghiệm...
Chiều 4/1, UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có công văn số 01/TB-UBND về việc áp dụng một số biện...
Chiều 27/12, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp với các doanh nghiệp du lịch để trao...
Ngày 20/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk...
Sáng 15/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk và tổ chức Động vật Châu Á đã tổ chức lễ ký kết...
Sáng 21/4, nhằm ngày 10/3 âm lịch, tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, Sở...
Những bông hoa cà phê bung nở trắng xóa trên nương rẫy tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ, báo...