Chúng tôi đến buôn Akô Dhông vào một ngày đầu tháng 3, con đường trải nhựa dẫn vào buôn sạch sẽ, hai bên đường là những hàng rào bằng cây xanh được cắt tỉa khéo léo, trong khuôn viên là những loài hoa đang khoe sắc trong nắng. Điều đặc biệt ấn tượng cho những người tìm đến là hàng chục ngôi nhà dài truyền thống lợp ngói đã nhuốm màu thời gian xen với những ngôi biệt thự được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại. Với người Êđê, ngôi nhà dài là biểu tượng văn hóa, là trái tim, máu thịt, là điều gần gũi mà thiêng liêng của dân tộc mình.
Ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là không gian của văn hóa, của các nghi lễ cúng được tổ chức…
Chị H’Len Niê, chủ quán cà phê Arul, người sở hữu hai ngôi nhà dài trong buôn Akô Dhông cho biết, vì mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, chị đã biến ngôi nhà dài của gia đình thành một không gian thi vị, độc đáo. Theo đó, trong ngôi nhà dài cổ, chị sắp xếp, trưng bày các vật dụng sinh hoạt thường ngày của người Êđê như chiêng, ché, ghế Kpan, trống Hgơr, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc. Còn trong ngôi nhà dài mới, chị dành không gian thoáng đãng để du khách thưởng thức cà phê.
Chị H’Len cho biết, dù đã có ngôi nhà dài cổ, nhưng vì muốn bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc, muốn cho nhiều người biết đến sự đa dạng của văn hóa Êđê nên chị đã quyết tâm dựng thêm một ngôi nhà dài nữa. Bởi theo chị, cách hiệu quả nhất để gìn giữ văn hóa của ông cha, chính là mỗi người con của dân tộc ấy phải tự mình bảo tồn và phát huy nó.
Chị H'Len Niê bên ngôi nhà dài của gia đình
“Vấn đề là ý thức của mỗi con người, nếu như thật sự mình quý những người gây dựng cái buôn làng này thì hãy hành động đi, hãy gìn giữ đi, văn hóa của mình chỉ có mình gìn giữ thôi, không chờ ai giữ cho mình. Chỉ cần mỗi chúng ta ý thức thôi, mỗi người giữ chính mình thôi là sẽ có một gia đình sắc màu riêng, và một gia đình sắc màu riêng thì sẽ có một cộng đồng có sắc màu riêng”, Chị H'Len Niê chia sẻ.
Trải qua suốt quá trình từ lập buôn đến phát triển, thực tế đã có thời điểm đời sống của bà con buôn Akô Dhông giàu lên nhờ trồng cây cà phê, nhiều người tính đến chuyện phá bỏ những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại. Trước thực tế đó, già Ama H’Rin – một trong những người đầu tiên dựng nhà ở buôn – đã bàn với chính quyền buôn đề ra hương ước, quy ước, quy định hộ nào xây dựng nhà mới theo phong cách hiện đại cũng phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống; nhờ đó mà dù cho có nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố mọc lên, nhưng mái nhà xưa cũ vẫn còn đó, là nhân chứng ghi lại dấu tích của cha ông.
Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống thay đổi, buôn Akô Dhông cũng có bước chuyển mình. Từ một buôn đồng bào sống lặng lẽ, yên bình trong lòng thành phố, buôn Akô Dhông ngày nay đã biết làm du lịch bằng chính vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ đón tiếp và phục vụ du khách bằng những đêm biểu diễn cồng chiêng, lửa trại, múa, hát, kể khan và uống rượu cần ở những ngôi nhà dài.
Lễ kết nghĩa anh em được bà con buôn Akô Dhông thực hiện tại buôn
Chị H’Min Niê – người dân trong buôn cho biết, gia đình chị hiện vẫn còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, trước đây mẹ chị và chị dệt thổ cẩm chỉ để phục vụ cho gia đình, từ ngày phát triển du lịch, hai mẹ con chị mở ra Êđê Shop để bán những sản phẩm thổ cẩm và một số sản vật của địa phương như cà phê, tiêu…
“Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của mình, sau này thấy buôn mình có khách du lịch qua lại cho nên mẹ ở nhà dệt rồi bán hàng tại nhà luôn. Hồi xưa cách đây mấy chục năm thì nhà cửa, đường xá đơn sơ hơn, bây giờ thì có thay đổi, nhất là từ khi buôn mình làm du lịch nhiều thì cũng có thay đổi", chị H’Min Niê cho hay.
Theo ông Y Pun Niê Bing, Buôn trưởng buôn Akô Dhông, hiện buôn có 278 hộ, 1.050 nhân khẩu, trong đó có 63 hộ dân tộc thiểu số với 305 khẩu. Trong buôn không có hộ nghèo và những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ngày càng xuất hiện nhiều. Kinh tế phát triển, bà con càng chú trọng đến đời sống tinh thần và nâng cao ý thức bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Ngoài những nếp nhà dài, không gian văn hóa cồng chiêng cũng được người dân bảo tồn, gìn giữ. Các sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, kể khan, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần; những tập quán, tập tục sinh hoạt hằng ngày như đeo gùi lên nương rẫy, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, lối sống chan hòa, bình dị vẫn được người dân lưu giữ và hiển hiện một cách rõ nét.
Thanh niên trong buôn được các nghệ nhân hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc
Buôn trưởng buôn Akô Dhông cho biết: “Mỗi nhà vẫn còn lưu giữ được quần áo truyền thống, rồi lâu lâu họ vẫn làm lễ cho bố mẹ, ông bà. Về phong tục như hỏi vợ, hỏi chồng vẫn còn phong tục của đồng bào xưa nhưng có một chút thay đổi thay vì xưa thì thách cưới ví dụ như con trâu con bò thì bây giờ họ tượng trưng thôi, khoảng 10-15 triệu giống như hồi môn để lại cho bố mẹ. Nghề truyền thống như thổ cẩm, ủ rượu cần thì ông bà vẫn truyền dạy cho các con.”
Việc buôn Akô Dhông vẫn bảo tồn và duy trì được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đã tạo ra được những nét riêng đặc sắc trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Chính điều này, đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan và nghỉ lại mỗi khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Đắk Lắk. Chị Nguyễn Đỗ An, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ, đây làn lần thứ 3 chị đến Đắk Lắk và cả 3 lần chị đều tìm đến buôn Ako Dhong, bởi chị không thể cưỡng lại được vẻ đẹp đơn sơ của buôn giữa lòng thành phố.
“Khi mình với bạn bè đến đây thì mặc dù giữa thành phố đông đúc nhưng nét bản sắc văn hóa ở đây mọi người vẫn giữ lại được nguyên bản như ngày xưa, đó là điều mình rất là thích", chị An hào hứng kể.
Buôn Akô Dhông đang ngày càng phát triển, theo kịp nhịp sống hiện đại hóa của đô thị nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và thấm đẫm tinh thần dân tộc. Sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên một sức hấp dẫn kỳ lạ, làm nên nét riêng độc đáo của buôn trong lòng phố chỉ có ở đô thị Buôn Ma Thuột.
Nam Trang / VOV Tây Nguyên
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |