Theo quan niệm của đồng bào Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi mặt trời chưa thức giấc. Vì thế lễ rước dâu được tiến hành vào buổi sáng ngày thứ hai (ngày chính thức của lễ cưới) từ 5h sáng đến đến 8h sáng tùy theo từng dòng họ. Buổi ban mai tinh khiết, bản làng Dao khâu sẽ được thưởng thức một bản hòa tấu đặc biệt của màu sắc và âm thanh. Giữa không gian xanh mướt của núi rừng, đoàn rước dâu rộn rã với trang phục lộng lẫy.
Lễ cưới của người Dao khâu được tiến hành trong ba ngày: Ngày thứ nhất là ngày chuẩn bị ở nhà trai và cưới tại nhà gái; ngày thứ hai làm lễ chính thức (Tức lễ rước dâu); ngày thứ ba là ngày kết thúc. Đêm trước ngày tổ chức lễ rước dâu, cỗ cưới chính là bữa rượu nửa đêm (nhản tía mả chai).
Mọi người trong bản đều tụ tập ở nhà chú rể, thức thâu đêm trò chuyện, uống rượu, cùng hát giao duyên. “Bữa rượu nửa đêm là bữa rượu được tổ chức tại nhà trai vào đêm thứ nhất trước khi đi đón dâu. Nhà trai mổ hai con gà, dọn một bữa cơm vào lúc nửa đêm. Thành phần gồm cha mẹ, hai bên trai gái, ông bà mối, người viết hôn thư bà con họ hàng do ông Thanh Thủy làm chủ tọa. Mục đích, ý nghĩa của bữa cơm này là kiểm lại xem nhà trai đã đưa sang nhà gái đủ số tiền, bạc, đồ trang sức, quần áo, lễ vật chưa, để công bố cho mọi người cùng biết.
Mọi người vui vẻ thì hai bên nhận nhau làm thông gia. Anh em, con cháu của hai bên phải đổi lại cách xưng hô, sau đó hai gia đình có trách nhiệm truyền lại cho con cháu và họ hàng”, bà Tẩn Mý Dao, ở bản Tả Sử Chò, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết.
Sớm hôm sau, khi những giọt sương vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, trời tản sáng, sự yên tĩnh của núi rừng được đánh thức bởi âm thanh rộn rã của đội kèn trống. Đoàn nhà trai gồm bốn đến năm người thân có tài khéo ăn, khéo nói. Một người cầm thuốc lào và điếu thuốc lào. Hai cô gái mang khay đựng chén trà, phích nước sôi và ấm pha trà. Ba, bốn người vác cái ghế băng dài. Hai cháu nhỏ, một trai, một gái khoảng trên 10 tuổi đi theo để mang đồ đạc cho cô dâu gồm: Một cái bem đựng tư trang, một cái chăn bông gấp nhỏ buộc dây đeo.
Trước khi đoàn người ra khỏi nhà, thầy cúng (gọi là ông Thanh Thủy) làm lễ báo cho tổ tiên biết đã đến giờ rước dâu. Lúc này trên bàn thờ có thêm lễ vật là một con gà mới mổ, thay chén nước mới, đốt trầm hương mới, rót rượu mới, cầu mong các thần linh và tổ tiên phù hộ cho việc đi rước dâu được suôn sẻ trọn vẹn.
Đoàn người quỳ trước bàn thờ để ông Thanh Thủy xin tổ tiên, thần linh cho mọi người có sức khỏe, đi trên đường không gặp trắc trở, đi đến nơi về đến chốn. Đoàn người đứng dậy, vái tổ tiên một vái. Kèn trống nổi lên. Thợ kèn dẫn đầu đi ra khỏi nhà và đi theo hướng đã ngắm sẵn từ hôm trước. Tuyệt đối không đi qua đằng sau nhà người ta, dù đó là đường đi hàng ngày.
Đoàn người đi tới một điểm định sẵn từ hôm trước rồi dừng lại, cử người đến nhà gái, thúc giục nhà gái đi đưa dâu bằng tiếng kèn trống rộn ràng. Họ nhà gái đưa cô dâu đến địa điểm trên, dừng lại, nghỉ ngơi, hút thuốc, uống trà, sắp xếp lại đội hình. Lúc này nhạc bắt đầu nổi lên.
“Tốp nhạc do thợ kèn đứng đầu đi vòng quanh tốp người họ nhà gái theo số vòng quy định (gọi là huynh shình cha). Nguyên tắc là, ba vòng đi, ba vòng về là sáu vòng. Lần đi ngược chiều kim đồng hồ là “trói”, lần về theo chiều kim đồng hồ là “cởi ra”. Làm như vậy thể hiện lòng mến mộ của họ nhà trai đối với nhà gái. Vòng cuối cùng là vòng lớn ôm hết cả tốp người rồi thợ kèn đến trước mặt ông mối cúi đầu chào mời. Ông mối cúi đầu đáp lễ rồi ra hiệu cho đoàn đưa dâu đi theo tốp nhạc dẫn về nhà trai, anh Chẻo A Xoang, một thợ kèn ở xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Rước dâu trên đường về, tiếng nhạc phải liên tục, không được đứt quãng. Chính vì vậy người ta phải dọn đường từ hôm trước không để có vật cản trên đường đi. Khi về tới nhà trai, đoàn người đưa dâu và người đón dâu đều dừng lại ngoài sân. Cô dâu đứng một mình trước ngưỡng cửa lớn của nhà trai, quay mặt ra ngoài. Ông Thanh thủy cúng xin tổ tiên, thần linh “xá” rửa hết mọi điều rủi ro cho mọi người, đặc biệt biệt là nàng dâu.
Ông Thanh Thủy Chẻo Lao U, ở khu 3, thị trấn Sìn Hồ cho biết thêm: “Sau khi làm xong các nghi lễ trên thì phải cử một người phụ nữ có đủ điều kiện là: Vợ chồng yên ấm hạnh phúc, có trai có gái. Người phụ nữ này đến rải chiếu dưới đất ở gian giữa, rồi đặt cái chăn của cô dâu, dắt cô dâu vào nhà, quỳ xuống đống chăn, mặt hướng về phía bàn thờ. Sau đó tiếp tục cử một người phía nhà trai cầm một miếng vải đỏ đóng căng lên trên khung cửa lớn để báo hiệu rằng nhà đã đón con dâu mới. Lúc này, ông Thanh thủy tuyên bố nhập khẩu âm cho cô dâu: Kể từ giờ phút này, gia đình thêm một nhân khẩu, tổ tiên có trách nhiệm quản lý.”
Xong thủ tục nhập khẩu này, người phụ nữ được cử đại diện dắt cô dâu vào trong buồng của cô dâu chú rể đã chuẩn bị sẵn. Lúc này chú rể chưa được vào buồng đó. Cô dâu cùng với hai phù dâu ở trong buồng chờ đến giờ tốt mới ra làm lễ “Bái đường” (bà con gọi là pái tòng). Sau các thủ tục cần thiết của lễ rước dâu, trong nhà, rượu được mang ra rót đầy tràn các bát. Đó là lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn những người bà con họ hàng đến giúp đám cưới. Ngoài sân, những đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp lại tiếp tục đắm say trong điệu hát giao duyên và cùng chúc phúc cho đôi bạn trẻ.
Theo thời gian, các nghi lễ trong lễ cưới của người Dao khâu, trong đó có lễ rước dâu vẫn được đồng bào duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, như tô điểm thêm sắc màu văn hóa đầy ý nghĩa của dân tộc.
Chẻo Thu / VOV Tây Bắc