Trong 5 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã chi hơn 10 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Thực hiện Nghị quyết về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 26 bộ chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Toàn tỉnh đã tổ chức 12 lớp dạy đánh cồng chiêng cho gần 500 học viên; phục dựng 5 nghi lễ, lễ hội gắn với văn hóa cồng chiêng. Tổng kinh phí thực hiện bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong những năm qua là trên 10 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ xã hội hóa là hơn 1 tỷ đồng.
Khen thưởng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020
Tại Hội nghị, đại biểu đã thảo luận, phân tích đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong quá trình bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.
Theo ông Y Mang – Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M'gar, việc nhà nước cấp chiêng, truyền dạy cồng chiêng đã góp phần thúc đẩy cả cộng đồng quan tâm, giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, điều bất cập là nếu cấp các bộ chiêng đồng loạt giống nhau cho nhiều buôn làng thì rất dễ dẫn đến nguy cơ thất truyền nhiều bài chiêng cổ, bởi trong thực tế diễn tấu cồng chiêng ở các buôn làng rất phong phú.
NSƯT Vũ Lân nêu quan điểm, với sự thay đổi của không gian văn hóa và môi trường sống, để cồng chiêng được tiếp tục lưu giữ và bảo tồn, cần thiết phải có sự phát triển trong chính cộng đồng.
"Việc bảo tồn phải đi liền với thích ứng, biến đổi và phát triển thì mới có thể bảo tồn tốt nhất. Chúng tôi trân trọng những sáng tạo đó, những sáng tạo vô danh, không có tác giả. Sáng tạo đó là của cả một tập thể nghệ nhân trong buôn làng, đó chính là dân gian. Tất cả những sáng tạo mới làm cho cồng chiêng thích ứng, thích nghi được với đời sống đương đại và có giá trị cao" - NSƯT Vũ Lân chia sẻ./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên