Xã Ea Wy, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk có dân số hơn 13 nghìn người, trong đó người Tày, Nùng chiếm đến 65%. Ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, trong quan niệm truyền thống của người Tày, Nùng nơi đây là một lễ tết gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, diễn ra lúc mùa màng vụ trước đã thu hoạch xong xuôi, mùa vụ tiếp theo đã được gieo xuống, lúa đã mọc xanh tươi. Trong ngày Tết này, người dân chuẩn bị lễ vật để cúng thần ruộng, vía trâu… và cầu mong cây trồng phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu. Trong bối cảnh ở miền quê mới khi lịch thời vụ đã khác, thay vì canh tác lúa 1 vụ, nông dân canh tác 2 vụ lúa một năm nên ý nghĩa tín ngưỡng của lễ tết cũng có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cốt lõi của Tết So lọc vẫn được bảo lưu, truyền lại cho đến nay.
Đến thăm các thôn người Tày trong ngày Tết So lọc sẽ thấy không khí rộn ràng hẳn lên bởi tiếng giã bột làm bún, tiếng làm gà, làm vịt… từ các nhà vọng ra. Bà Hứa Thị Sin (thôn 6A) vừa soạn mâm lễ để cúng tổ tiên trong ngày Tết So lọc vừa kể: Trong ngày này, mọi người trong nhà thường dậy sớm, quét dọn, chỉnh trang nhà cửa, bàn thờ rồi thịt vịt, làm bún. Khi làm bún, thường thì nhiều nhà cùng nhau làm tại một gia đình, vừa tạo không khí vui tươi, vừa giúp nhau làm để được nhanh hơn. Vì làm bún thủ công mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi sau khi xay bột về, treo bột cho khô nước, sau đó phải trần qua nước sôi rồi mới giã và ép thành sợi bún. Nhiều gia đình không có thời gian làm thì đi mua ngoài chợ hoặc của các gia đình khác.
Mâm cỗ cúng của người Tày, Nùng trong ngày Tết So lọc không thể thiếu thịt vịt và bún. |
Trong quan niệm của người Tày, “so lọc” có nghĩa là xin lộc, xin tổ tiên ban lộc để làm ăn thuận lợi, cây cối tốt tươi, được mùa để cuộc sống đỡ vất vả hơn... Mâm lễ người Tày cúng tổ tiên trong ngày này có vịt, bún là chủ yếu. Để chuẩn bị cho Tết So lọc, người dân đã nuôi vịt từ khoảng tháng 3 âm lịch. Vịt được nuôi trong 3 tháng là thời điểm thịt ngon nhất và được gọi là “pết so lọc” có nghĩa là vịt mùng Sáu. Người Tày - Nùng cho rằng, vịt sống thích nghi với các nguồn nước và cũng chính nguồn nước thuận lợi sẽ giúp cho các loại cây trồng phát triển tốt. Theo phong tục thì vịt phải để cả con bày lên mâm. Khi cúng tổ tiên phải để hương cháy hết 2/3 mới có thể dọn mâm, rồi sau đó đi cúng ở thổ công trong làng... Trong ngày Tết So lọc, người Tày không chuẩn bị đồ ăn, bánh trái linh đình như Tết Nguyên đán, hay Rằm tháng 7, nhưng cũng đủ những món ăn như rượu, thịt vịt, thịt gà, bún, bánh gai, bánh tro...
Bà Nông Thị Vườn ở thôn 6A, xã Ea Wy sửa soạn mâm cỗ cúng thổ công trong làng. |
Theo các cụ già ở xã Ea Wy, ngày xưa Tết So lọc có tục cúng tại ruộng. Nếu gặp phải năm có dịch đạo ôn hay sâu bệnh thì lấy máu chó nhuộm lên tiền giấy rồi cắm bờ ruộng để cấm cửa các loại quan ôn quan dịch. Tuy nhiên, ngày nay người ta không ra ruộng nữa mà cúng tại nhà. Đặc biệt, giấy tiền dùng để cúng được các gia đình tự cắt bằng giấy trắng. Phong tục này đến nay vẫn được người Tày, Nùng ở Ea Wy lưu giữ.
Trong ngày Tết So lọc, mọi người không đi làm đồng mà lo công việc thờ cúng, đến thăm thân, giao lưu hàng xóm. Mỗi năm chỉ có một lần, Tết So lọc còn được coi là ngày hội của trẻ thơ, chúng háo hức nhận “nhiệm vụ” chăn trâu, bò. Trước khi thả trâu, bò ra đồng, trẻ con được người lớn chuẩn bị đôi đùi vịt to béo, bánh trái và thêm cặp lồng đựng canh bún. Khi đến bãi chăn thả, nhóm trẻ góp phần ăn chung.
Theo ông Trần Văn Khang, Cán bộ Văn hóa xã Ea Wy, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk, ngày Tết So lọc 6-6 âm lịch của người Tày, Nùng trên địa bàn xã dù không được chuẩn bị bài bản như trước, nhưng về cơ bản vẫn thể hiện được những mong muốn của người nông dân về mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài ra thì đây cũng là dịp để con cháu, các thành viên trong gia đình đi học hay đi làm ăn xa trở về sum họp, quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình ấm cúng. Đây cũng chính là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của các dân tộc phía Bắc trên mảnh đất Ea Wy.
Khả Lê