Những chiếc ché quý được xếp ngay ngắn trong nhà dài
Trong ngôi nhà dài của gia đình ông Y Bhiâo Mlô (aê Hiêm), ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, nhiều loại ché quý, với kích cỡ khác nhau được xếp ngay ngắn. Có chiếc để trống, có chiếc đang dùng để ủ rượu cần.
Ông Y Bhiâo Mlô cho biết, đây là những chiếc ché của gia đình còn lưu giữ và mua lại được từ người dân ở các buôn; mỗi chiếc có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng (đổi ngang giá trị một con bò). Trước đây, ở các buôn làng, ché quý còn khá nhiều, tuy nhiên hiện nay, với sự mai một của các lễ nghi truyền thống và tình trạng buôn bán cổ vật ở một số nơi, những chiếc ché quý ngày càng trở nên hiếm hơn, nhiều khi muốn mua cũng không có.
"Trong nhà tôi có khoảng 4-5 loại ché với khoảng hơn 20 chiếc, trong đó có nhiều cái mới mua lại. Những ché quý, ché cổ như ché Tang thì mới mua lại thôi. Còn những ché ngày xưa từ thời cha mẹ để lại thì không may bị cháy hết từ hồi năm 1973. Bây giờ hiếm lắm, có muốn mua cũng không có mà mua đâu" - ông Y Bhiâo Mlô tiếc rẻ.
Ché quý được bảo quản và giữ gìn cẩn thận
Người Êđê phân biệt ché thành bốn loại chính là: ché Tuk, ché Tang, ché Ba, ché Bô. Ngoài ra còn có các loại ché Jăn, ché Duê, ché Kriăk, … Do có nhiều nhánh địa phương, nên đôi khi cùng một loại ché nhưng lại có tên gọi khác nhau.
Trước đây, việc trao đổi ché được tính bằng các sản vật của gia đình như heo, bò hoặc trâu. Trong các loại ché, ché Tuk là quý nhất, phải đổi ngang 1 con voi hay 8 con trâu. Loại này chỉ sử dụng trong các lễ nghi quan trọng, có con vật hiến sinh từ heo đực thiến 50kg trở lên.
Cùng với chiêng, ché là hiện vật không thể thiếu trong quá trình thực hành lễ thức
Ông Y Blih Mlô, ở buôn Pưk Prong, xã Ea H’ning, huyện Cư Kuin cho biết, ché không chỉ là đồ đựng đắc dụng mà còn là tài sản tích lũy của gia đình, thước đo về sự giàu có và uy lực. Nó là hiện vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, sính lễ trong cưới hỏi, của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố. Do đó, nhà nào càng có nhiều ché thì càng giàu có và được xem trọng.
"Từ thời ông bà mình ngày xưa thì ché Tuk được coi là giá trị nhất, phải gia đình nào giàu có mới có, chứ nhà nào nghèo thì không có đâu, người ta mua đổi phải bằng 5 con trâu mới được 1 ché, có khi đổi 1 con voi mới được một ché nên nhà nghèo không mua được, chỉ có nhà giàu mới đủ tài sản để mua, đó được coi là những người có uy tín, chức vị. Nhà ai càng giàu có thì càng có nhiều ché, ví dụ như trong buôn chúng tôi nhà nào nhiều nhất là có tới 12 chiếc ché, đó là nhiều lắm rồi, còn lại mỗi nhà có từ 2-3 ché thôi."
Ché không chỉ là vật đựng đắc dụng mà còn là tài sản tích lũy, thể hiện địa vị và uy lực của gia chủ
Đối với người Êđê, cùng với chiêng, ché là vật không thể thiếu trong các lễ cúng. Chị H Chi Niê, ở buôn aKó Siêr, Phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Theo phong tục của người Êđê thì ché thường dùng để nấu rượu cần, loại rượu được dùng cho các dịp lễ, tiệc quan trọng, lễ cúng vòng đời người, lễ nghi nông nghiệp hoặc lễ mừng nhà mới."
Ché quý dùng để ủ rượu cần dâng cúng và dùng trong các sinh hoạt cộng đồng của người Êđê
Để làm ra một ché rượu cần ngon đãi khách hay dâng cúng là cả một quy trình ủ rượu công phu, với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Mỗi loại ché ủ rượu dùng vào những dịp khác nhau. Theo ông Y Bhiâo, ché càng quý thì dùng ủ rượu cho những dịp lễ nghi quan trọng, để thiết đãi khách quý.
Ông Y Bhiâo kể: "Người Êđê từ xưa tự nấu rượu cần để sử dụng, ché thì chủ yếu để ủ rượu cần thôi. Ché có rất nhiều loại, cũng không thống kê hết được, có thể kể đến như ché Ba, ché ba theng, ché Duê, ché tang, ché bô, … rất là nhiều, mỗi loại ché thì lại được dùng cho một dịp khác nhau, ché quý có giá trị lớn thì dùng cho những dịp lớn, quan trọng, ché nhỏ, ít giá trị hơn thì dùng cho các dịp ít quan trọng hơn."
Ngày nay, do ảnh hưởng của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, việc mua bán, trao đổi và sử dụng ché trong đời sống người Êđê không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của bà con không thể thiếu vắng rượu cần – loại thức uống được đựng trong những chiếc ché quý. Đó chính là sự gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp của người Êđê nói riêng, người Tây Nguyên nói chung./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên