Tranh đỏ hay còn gọi là tranh Kim Hoàng, là một trong số những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Trải qua thời gian, tranh Kim Hoàng đã từng bị thất truyền nhưng đang dần được phục hồi nhờ dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” triển khai từ năm 2016, do bà Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội làm chủ dự án. Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia…
Với nỗ lực của các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, dòng tranh dân gian có xuất xứ ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đang dần hồi sinh. Tới nay, dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu vẽ tay và tạo mới được một số mẫu tranh và mới đây là ra mắt sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" giúp mọi người hiểu rõ hơn về dòng tranh quý của dân tộc cũng như dự án phục hồi dòng tranh này.
Hình tượng con gà trong dòng tranh dân gian Kim Hoàng (tranh đỏ)
Để làm nên một bức tranh dân gian, trong đó có tranh dân gian Kim Hoàng, người nghệ nhân phải rất kỳ công, tỉ mỉ, từ khâu làm giấy dó, cho đến khâu khắc, in tranh từ khuôn lên giấy. Về cơ bản, có 4 bước quan trọng để làm nên một bức tranh dân gian Kim Hoàng hay còn gọi là tranh đỏ:
1. Làm giấy dó
Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó, theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Xơ dó kết lại với nhau tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp, nhẹ tạo mặt vân có những sợi dó. Nguyên liệu làm giấy dó được lấy từ vỏ cây dó, trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, với nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Vỏ cây dó được ngâm trong nước....
...tới khi thành giấy dó phải trải qua khoảng 10 bước tỉ mỉ, công phu
Đối với giấy dó in tranh khắc gỗ như Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, để cản bớt độ loang nhòe của giấy, người ta sử dụng nước hồ và phèn chua cho vào một trong những công đoạn làm giấy. Hỗn hợp hồ phèn càng nhiều thì độ loang của giấy càng giảm. Độ dày của giấy dó gọi là bóc, có bóc 1 là mỏng nhất, rồi đến bóc 2 (Tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống), bóc 3, bóc 4...
2. Nhuộm giấy
Ngày xưa, nếu người ta mệnh danh tranh Đông Hồ là “tranh điệp” vì in trên nền điệp, tranh Hàng Trống là “tranh trắng” vì in trên nền giấy trắng thì tranh Kim Hoàng là “tranh đỏ” vì thường in trên nền giấy đỏ.
Thuở ấy, dịp Tết, các gia đình nông dân, phú nông và địa chủ thường mua tranh treo Tết với mục đích cầu phúc, cầu may, trừ tà ma… nên nền tranh đỏ gây được rất nhiều thiện cảm. Đặc biệt các gia đình nông dân nghèo, nhà tranh- vách đất- cửa phên liếp… thì màu sắc rực rỡ của tranh Tết nền đỏ thắm khiến cho căn nhà nghèo nàn trở nên rạng rỡ, hứa hẹn điềm may mắn trong năm tới.
Sau một quá trình tìm hiểu và thử nghiệm, nhóm những người tham gia khôi phục dòng tranh Kim Hoàng đã hoàn thiện công thức kỹ thuật chế tạo nền tranh đỏ.
Giấy dó bóc đôi, dùng chổi thông quét các loại phẩm điều, phẩm hoa hiên trộn hồ bột gạo, có phèn chống thấm, tạo chất theo các liều lượng hồ trong dung dịch
Quét nền xong, phơi giấy đỏ cam trên các tấm bìa để thấm hút màu và khi khô, tờ giấy vẫn phẳng, mềm mượt
Quá trình quét màu nền được thực hiện ngay ở nhà văn hóa xã Kim Hoàng và 5 cụ già làng đều hài lòng với màu nền như vậy.
3. Khắc tranh trên gỗ
Trong các khâu kỹ thuật thì khâu khắc là khó nhất. Kỹ thuật khắc của Kim Hoàng cho thấy sự công phu từ khâu chọn gỗ thị có tính mềm, dẻo, bền, không bị nứt. Người thợ dùng tới khoảng 40 loại đục, và nhiều loại dao trổ để khắc tranh. Có thể phải mất 6 ngày để làm một bản khắc tranh gà Thần Kê.
Trong việc khắc ván thì ván Kim Hoàng khó hơn Đông Hồ vì đòi hỏi nét khắc tinh tế và nhỏ, đanh hơn. Vì thế, các họa sĩ thường không tự làm bản khắc mà đưa mẫu cho người thợ khắc gỗ chuyên nghiệp.
4. In tranh
Cách in của tranh Kim Hoàng phảng phất cách in của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đó là cách “in ngửa ván”. Chỉ in nét bằng ván rồi mới vẽ tay, tô màu. Vì vậy, tranh Kim Hoàng sản xuất với tốc độ chậm hơn cách in bằng nhiều ván của Đông Hồ, nhưng cũng có phần đa dạng hơn.
Người Kim Hoàng có hai cách làm ván in. Hoặc là dùng một bản khắc nét duy nhất cho mỗi tranh, hoặc là 1 bản khắc nét và 1 bản khắc mảng màu. Mỗi bức tranh Kim Hoàng qua vẽ tay, tô màu bằng tay sẽ cho mỗi tác phẩm khác nhau, đa dạng hơn.
Chất liệu gỗ để tạo bản in khắc cũng là các loại gỗ thường gặp trong các dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống như gỗ thị. Nét khắc của bản in Kim Hoàng cũng nhỏ, tinh tế mà thợ khắc thường gọi là nét khắc “chân đê”.
Cách in thông thường là in bản mảng trước rồi in bản nét sau. Nhưng nếu chỉ có một bản nét thì người ta phải in nét hai lần: trước hết “in nhá” để lấy nét mờ, trên cơ sở đó căn làm cỡ rồi dùng bút pha mầu tô phết lên tùy ý để cuối cùng in nét lần nữa đè lên cho chuẩn và kỹ. Cách này gọi là “in đồ”.
Đa số màu tô rất sáng để dễ nổi bật trên nền giấy đỏ, trong khi nét hình và chữ Hán-Nôm màu đen, cũng nổi bật, rõ ràng.
Trong số các chủ đề trong tranh Kim Hoàng thì tranh Lợn Tết gây ấn tượng mạnh, đạt hiệu quả nghệ thuật cao: con lợn mảng đen, nét trắng nổi bật trên nền đỏ, mang đậm màu Tết. Vì vẽ tay nên các nét trắng được lượn tung tẩy, chỗ màu dày thì nét là trắng mà chỗ màu mỏng thì trắng hòa với mầu nền thành trắng hồng một cách đầy ngẫu hứng.
Chính vì vậy, cứ treo tranh này lên là ta thấy không khí Tết ùa về, gần gũi, quen thuộc mà no đủ, phóng khoáng.
Theo nhóm tác giả sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng"