Đa Sỹ là một làng cổ của Hà Nội, nổi tiếng về nghề rèn. Các sản phẩm rèn của Đa Sỹ có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Năm 2001, làng rèn Đa Sĩ đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống.
Trước đây làng có tên cổ là Huyền Khê, sau này được đổi thành Đa Sĩ vì có nhiều người đỗ tiến sĩ. Đa Sĩ có 11 tiến sĩ, trong đó có hai người là trạng nguyên, một người là lưỡng quốc trạng nguyên.
Theo truyền thống, lễ hội Xuân truyền thống của làng Đa Sỹ còn được gọi là lễ hội vào đám, vì trùng với ngày Giỗ Thành hoàng làng, danh nhân văn hóa - Danh y - Lương dược hầu linh thông cư sĩ Hoàng Đôn Hòa. Sinh ra và lớn lên ở Đa Sỹ, ông đã tạo dựng và truyền lại cho người làng Đa Sỹ nhiều bài thuốc nam hữu ích, vì thế được người dân tôn xưng là Thành hoàng làng.
Theo cuốn Danh nhân y học Việt Nam, Hoàng Đôn Hòa từng thi đậu Giám sinh nhưng không ra làm quan mà đi ở ẩn để nghiên cứu về nghề thuốc. Trong trận dịch năm 1533, ông đã chữa bệnh cho nhiều người dân. Ông đã giúp binh lính chúa Trịnh vượt qua được bệnh dịch bằng bài thuốc do ông tự sáng chế ra. Nhờ có công lao, Hoàng Đôn Hòa được phong tước Lương Dược hầu và phong chức Thị nội Thái y viện Phủ đường. Tương truyền, ông đã được nhà vua chọn làm phò mã gả con gái là Phương Anh công chúa. Trong lần đi sứ sang triều đình Mãn Thanh, ông đã chữa được bệnh nan y cho vua Càn Long và được phong danh hiệu "Lịch thế y".
Ông có công lưu giữ, biên soạn, bổ sung cuốn sách "Hoạt nhân toát yếu" (Phép cốt yếu cứu người) và nhiều sách y học khác; góp phần giữ gìn sức khỏe, tính mệnh con người, kéo dài tuổi thọ. Hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ một bản Hoạt nhân toát yếu tăng bổ (do Trịnh Đôn Phác bổ sung, ký hiệu A. 2535) bao gồm những phương thuốc trị bệnh tật thường gặp trong đời sống hàng ngày và một số bài thuốc trị bệnh gia súc...
Hàng năm, đến ngày mất của Thành hoàng Hoàng Đôn Hòa, làng Đa Sỹ lại tưng bừng mở hội kéo dài từ 12 đến 15 tháng giêng
Chùa Đa Sỹ được xây cạnh miếu thờ Hoàng Đôn Hòa và phu nhân. Vốn đây là Lâm Dương quán, tới năm Chính Hòa nguyên niên (1680), quán được gọi là chùa, cho nên hệ thống tượng thờ có cả tượng Phật và tượng Thánh
Hội làng Đa Sỹ có các hình thức tế lễ dâng hương rước kiệu, vui chơi sôi động
Lễ hội truyền thống đình làng Đa Sỹ gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức lễ thánh, rước thánh trang nghiêm. Phần hội với các trò chơi dân gian như nhẩy bao tải, kéo co, chọi gà, biểu diễn các tiết mục văn nghệ quần chúng nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Từ xa xưa, hội làng Đa Sĩ đã lừng vang khắp vùng, thu hút du khách thập phương, độc đáo nhất vẫn là lễ rước kiệu ông kiệu bà từ miếu về đình ngày khai hội và từ đình về miếu ngày vãn hội.
Tục rước kiệu của làng Đa Sỹ thể hiện sự tôn kính với những người có công, mỗi khi rước kiệu ra khỏi cửa Miếu là kiệu Ông dừng lại để kiệu Bà đi trước. Khi rước về đến cửa Miếu, thì kiệu Ông lại nhường kiệu Bà. Đó cũng là thế ứng xử văn hóa truyền thống, một nét độc đáo của lệ tục làng Đa Sỹ.
Bộ kiệu quý của làng Đa Sỹ, tương truyền do Tổng trấn Ngọc Hầu Nguyễn Bá Xuyên vẽ theo mẫu kiệu vua do nghệ nhân đóng kiệu Lê Công La thực hiện Bộ kiệu gồm kiệu ông 8 con rồng và kiệu bà 8 con phượng sơn son thếp vàng. Kiệu ông để rước thành hoàng Hoàng Đôn Hòa, kiệu bà dành rước phu nhân thành hoàng là Phương Dung công chúa
Đánh chiêng báo hiệu phần lễ bắt đầu
Các em thiếu nhi trong làng được tham gia trình diễn trong phần nghi lễ
Các bậc cao niên thành kính làm lễ
Dâng hương Thành hoàng làng và các bậc tổ tiên
Phường bát âm trình diễn âm nhạc truyền thống trong ngày hội làng Đa Sỹ
Sau ngày hội làng và đám giỗ Thành hoàng, người dân Đa Sỹ (Hà Nội), lại chuẩn bị cho ngày Giỗ tổ nghề rèn, diễn ra vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Lương Trang, Ngọc Quỳnh/Vietnam Journey