Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc được tổ chức từ ngày 9-12 tháng Giêng ÂL hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng Bố Cái đại vương Phùng Hưng, người anh hùng dân tộc có công dấy binh khởi nghĩa, đánh tan ách xâm lược của quân phương Bắc thế kỉ VIII.
Một trong những nghi lễ chính của hội làng Triều Khúc là lễ rước long bào, triều phục của Bố Cái đại vương Phùng Hưng từ đình thờ Sắc về Đại Đình để khai hội. Nghi lễ này được thực hiện vô cùng trang trọng. Trong đám rước, người ta có thể thấy hình ảnh một vị tướng quân trẻ tuổi, oai vệ đi trước kiệu, dẫn đầu là một đoàn múa sinh tiền gồm nhiều thiếu nữ xinh đẹp trong làng đảm nhiệm.
Chuẩn bị nghi lễ rước kiệu
Cũng tương tự như các hội làng khác, những người được lựa chọn để tái hiện hình ảnh biểu tượng trong lễ hội đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn, người vào “vai” tướng quân trong lễ rước kiệu Thánh nhất định phải có ngoại hình xuất chúng, thành đạt, xuất thân trong một gia đình gia giáo…
Sau phần “lễ” trang nghiêm, phần “hội” làng Triều Khúc nhất định không thể thiếu điệu múa trống bồng (còn gọi là điệu “Con đĩ đánh bồng”). Tương truyền, nguồn gốc điệu múa độc đáo này bắt nguồn từ điển tích Bố Cái đại vương Phùng Hưng khi đóng quân tại làng Triều Khúc đã cho binh lính giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ.
Điệu múa do trai làng Triều Khúc đóng giả làm con gái, thoa phấn, đánh son, đầu chít khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng, đặc biệt là ánh mắt đong đưa, lúng liếng một cách vô cùng duyên dáng.
Anh Bùi Văn Hảo, bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Triều, thành viên của đội múa trống bồng bày tỏ niềm vinh dự khi được là một phần của lễ hội, góp phần tái hiện điệu múa được coi là điệu múa cổ đặc sắc bậc nhất mà các bậc tiền nhân khi xưa đã sáng tạo nên.
Anh Bùi Văn Hảo, bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Triều, thành viên của đội múa trống bồng
Trong ngày cuối của lễ hội, sau khi kết thúc ba tuần tế là diễn ra màn múa chạy cờ, nhằm tái hiện hào khí thao luyện binh mã trước ngày ra trận của nghĩa quân Phùng Hưng năm xưa nhất tề nổi dậy đập tan quân xâm lược phương Bắc vào thế kỉ VIII.
Chính những bản sắc riêng có này là yếu tố then chốt giúp lễ hội làng Triều Khúc được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận, trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 14/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), cũng là ngày chính hội hàng năm.
Trong vô số những lễ hội làng trong lòng thủ đô Hà Nội, hội làng Triều Khúc vẫn chiếm một vị trí đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì nơi đây có hai ngôi đình cổ với lối kiến trúc bề thế, uy nghiêm và ngôi chùa Hương Vân cổ kính, trầm mặc, mà đặc biệt ở chỗ cuộc sống ngoài kia dù thay đổi thế nào thì dường như sau cánh cổng làng, truyền thống văn hóa xa xưa vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn.
Để rồi cứ đến mùng 9-12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi đến hội làng, người ta vẫn được hòa mình trong không khí hào hùng xưa kia, được thấy những nghi thức tế lễ tôn nghiêm, những tục lệ truyền thống, những điệu múa cổ xưa…mà đã một lần đến thì không thể không hoài nhớ.
Anh Vũ-Ngọc Quỳnh, Vietnam Journey
Video: muabongtrieukhuc_v1.mp4