Giới thiệu về ngôi nhà dài của người Êđê, nghệ nhân H’Hoa Niê KSơR ở xã Eâ Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk tự hào nói: Chị sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong ngôi nhà dài. Ở đây, chị được tận hưởng cuộc sống đầm ấm, yên vui trong một đại gia đình. Tối đến, cả nhà quây quần bên bếp chủ, ngồi trên ghế dài Kpan nơi “Gah” (phòng khách) nghe ông kể chuyện cổ tích về người Êđê nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nghe bà, mẹ hát những làn điệu dân ca Êđê mượt mà, sâu lắng. Nghe anh chị đánh cồng, nhảy múa... lớn lên, chị cưới chồng, ngôi nhà dài thêm một buồng, rồi đến các em gái lấy chồng, ngôi nhà lại dài thêm, dài thêm nữa. Nay ngôi nhà dài của gia đình chị đã dài gần 100.
Nghệ nhân H’Hoa Niê KSơR kể rằng, tập tục của người Êđê là con gái cưới chồng, con trai lấy vợ phải về nhà vợ ở. Con cái sinh ra mang họ mẹ, khách vào buôn, nhìn độ dài của ngôi nhà là biết nhà đó nhiều hay ít con gái. Nhà dài làm bằng gỗ loại tốt, vách, sàn làm bằng cây nứa bổ nhỏ, mái lợp tranh, nhà có chiều rộng từ 4,5 - 5,5 m. Đặc điểm riêng của nhà dài người Êđê là có hai cầu thang. Cầu thanh đực và cầu thang cái. Cầu thang cái được khắc họa hai bầu sữa mẹ và vầng trăng khuyết cùng những hình họa được chạm trổ văn hoa tinh sảo để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến công lao của người phụ nữ, người trụ cột của gia đình. Ngược lại, cầu thang đực chỉ là một cây gỗ, có 5 - 7 bậc thang.
Nghệ nhân H’Hoa Niê KSơR
Chúng tôi bước lên cầu thang, vào một gian rộng, gọi là “Gah”. Chị H’Hoa Niê KSơR giới thiệu, “Gah” là nơi cúng thần, tiếp khách, nơi cất giữ những đồ vật quý như cồng chiêng, nồi đồng, ché rượu cần và là nơi ngủ của con trai chưa vợ. Vào nhà dài nhìn hiện vật ở “Gah” là biết nhà giàu hay nhà nghèo. “Gah” còn là nơi đại gia đình hội tụ, giao lưu với người trong buôn, trong họ, nơi múa hát, cồng chiêng và chơi các nhạc cụ của người Êđê.
Nửa căn nhà còn lại gọi là “Ôk”. Đây là phòng ngủ của các đôi vợ chồng và đặt bếp nấu ăn chung. Khi trong nhà có một thành viên nữ lấy chồng thì ngôi nhà lại dài thêm một gian để đôi vợ chồng mới ở.
Nhà dài là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Êđê. Nghệ nhân H’Hoa Niê KSơR tự hào cho biết, trong ngôi nhà dài của Làng Êđê (Đắk Lắk) ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện trưng bày, lưu giữ 15 nhóm với 30 hiện vật của dân tộc Êđê do gia đình cố Nghệ sỹ nhân dân Y Moan hiến tặng. Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, thể hiện toàn vẹn bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc Êđê. Nhà dài Làng Êđê là nơi lưu giữ cái hồn của người ÊĐê.
Nhà dài- không gian sống theo chế độ mẫu hệ
Cùng với niềm tự hào về ngôi nhà dài truyền thống của mình, người Êđê tỉnh Đắk Lắk cũng còn nỗi niềm riêng khi những ngôi nhà dài cứ dần vắng bóng trong buôn. Các già làng người Êđê tâm sự rằng: Bây giờ trên rừng không còn nhiều gỗ tốt như ngày xưa nữa, cùng với đó là xu thế bê tông hóa nhà cửa nên nhà dài đúng nguyên bản của nhà dài truyền thống với chất liệu là gỗ, nứa, mái tranh đã có dấu hiệu mai một. Vì thế, việc bảo tồn, phục dựng nhà dài ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là rất cần thiết để du khách đến tham quan, ghi nhận lại hình ảnh ngôi nhà dài, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất, niềm tự hào của người Êđê.
Đức Long/ thanhtra.com.vn