Làng quê thanh bình được khắc họa trong tranh thêu Xuân Nẻo
Không chỉ là vùng đất thuần nông trù phú, thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương còn được biết đến với nghề thêu tay tinh xảo.
Dù nghề thủ công lâu nay vẫn thường được coi là công việc thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn, tuy nhiên, vào giai đoạn phát triển cực thịnh của nghề thêu ren ở Xuân Nẻo_những năm 70,80 của thế kỉ trước_đâu đâu người ta cũng nhìn thấy người ngồi thêu, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ… Có thời điểm, toàn xã Hưng Đạo có tới khoảng 2.000 người biết thêu.
Vào giai đoạn phát triển cực thịnh của nghề thêu ren ở Xuân Nẻo, những năm 70,80 của thế kỉ trước, đâu đâu người ta cũng nhìn thấy người ngồi thêu...
Làm ra một sản phẩm thêu có chất lượng rất kỳ công. Với mỗi bức tranh thêu, người thợ cần phác thảo bản vẽ để định hình bố cục bức tranh và vẽ các chi tiết, rồi dùng giấy nến, bút kim đục theo đường vẽ, dùng dầu xoa cho nét vẽ “ăn” xuống nền vải. Xong công đoạn phác thảo rồi mới bắt đầu đi những đường thêu.
Chủ đề của những sản phẩm thêu truyền thống ở Xuân Nẻo thường là những hình ảnh gắn liền với làng quê, với sinh hoạt đời thường: cây đa, sân đình, bờ ao, con trâu, lũ trẻ, hoa sen, hoa cúc…
Hoa lá, chim muông sinh động, chân thực trong từng đường thêu
Sản phẩm thêu Xuân Nẻo chỉ cần nhìn qua đã có thể nhận ra nay nhờ đường thêu sắc mà vô cùng mịn, màu bám chắc, không nhòe, không phai. Bí quyết không chỉ ở đôi tay tài hoa của người thợ, hay chất lượng sợi chỉ thêu, vải thêu mà điều quan trọng là cái tâm của người làm nghề.
Sinh hoạt gần gũi với đời thường tái hiện qua tranh thêu Xuân NẻoCảnh đẹp đất nước trong tranh thêu Xuân NẻoHồ GươmLàng quê thanh bình Cấy lúaChiều quê yên ảNúi non hùng vĩ
Nhắc đến nghề thủ công là đã thấy vất vả, nhưng thu nhập lại không cao, do đó mà nghề thêu ren Xuân Nẻo cũng mai một dần, nay chỉ còn lại những nghệ nhân giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Trong đó có nghệ nhân Phạm Thị Hòa, sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nghề.
Đau đáu với nỗi niềm giữ gìn và kế thừa, phát huy nghề thủ công truyền thống của ông cha, nghệ nhân Phạm Thị Hòa đã mở một xưởng thêu, nhận đào tạo nghề cho các thế hệ trẻ để vừa ổn định cuộc sống, vừa phát triển nghề truyền thống. Nhờ những mũi thêu tinh tế, các sản phẩm thêu ở cơ sở của nghệ nhân Phạm Thị Hòa không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Nghệ nhân Phạm Thị Hòa
“Mỗi một bức sau khi thêu xong được người dùng yêu chuộng, tôi thấy rất phấn khởi. Để có bức thêu đẹp, người thợ vừa phải khéo tay, vừa phải dồn tâm trí khi thêu, sản phẩm mới sống động, có hồn”, bà Hòa kể với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Tranh thêu Xuân Nẻo có chủ đề đa dạng
Tranh thêu hoa sen Việt Nam rất được ưa chuộng
Giờ đây, để thích nghi với giai đoạn mới, Xuân Nẻo đã chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người dân, đặc biệt là Đài Loan (Trung Quốc,) Nhật Bản, Nga để làm ra những sản phẩm thêu ren phù hợp. Từ việc thêu ga, gối trước đây, họ chuyển sang thêu trang phục truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, túi xách tay cho thị trường Liên bang Nga và áo dài Việt Nam để bán cho khách nước ngoài…
|
PV