Theo truyền thuyết tại Đền Hùng, sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, nguyện trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên.
Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Các tài liệu sử sách sớm nhất ghi chép về Thời đại Hùng Vương là “Đại Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khẳng định và lý giải về nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam. Các nhà Hậu Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ.
GS Sử học Lê Văn Lan: “Chúng ta còn một văn bản rất quý của Quang Trung Nguyễn Huệ, chỉ mấy ngày sau khi quét sạch giặc Thanh thì chính Quang Trung ban một tờ chiếu về cho làng Hy Cương ở chân đền Hùng dặn dò phải cẩn thận việc thờ cúng Hùng Vương và ông đánh giá việc đó là làm cho mạch nước được bền vững. Điều đó cực kỳ quan trọng.”
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”
Khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc.
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch được nghỉ 1 ngày.
GS Sử học Dương Trung Quốc: “Sau khi giành độc lập, lễ Giỗ tổ Hùng vương đầu tiên năm 1946 chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì ở thủ đô, Phó chủ tịch nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn chính phủ lên tận Phú Thọ dâng lễ trong đó có bản đồ lành lặn thống nhất 3 miền Bắc – Trung - Nam và một thanh gươm tỏ rõ ý chí quyết tâm bảo vệ non sông.”
Trải qua chiến tranh rồi thống nhất đất nước, giỗ tổ Hùng Vương dần nâng cấp lên thành quốc lễ, là nguyện vọng chung của toàn dân. Chính từ nguyện vọng ấy mà trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt luôn tâm niệm câu ca:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.
Ước tính những năm gần đây, khu di tích lịch sử đền Hùng đón từ 7 đến 8 triệu lượt người về thăm viếng mộ Tổ. Nhờ công tác tổ chức tốt nên hàng triệu người dân tụ hội về đây vẫn cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng trong ngày hội lớn của toàn dân tộc.
Bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng: “Chúng tôi cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào về thực hành tín ngưỡng tại đền Hùng, hiểu về giá trị của tín ngưỡng, thời đại Hùng Vương cũng như những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mình.”
Ngày nay, dòng người vẫn đổ về Giỗ Tổ Hùng Vương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, hướng về nguồn cội
Xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết nối lịch sử, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội để có biểu tượng cội nguồn duy nhất. Đó cũng là triết lý căn bản để hình thành nên một quốc gia thống nhất.
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ tiếp tục là điểm tựa cho khối đại đoàn kết dân tộc, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh của con người Việt Nam, để mỗi người tự tin vững bước đến tương lai.
Vietnam Journey/Đài PTTH Phú Thọ