Con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM, được gọi với cái tên thân quen “xóm bánh ú”. Dù chỉ có chừng 20 nhà gói bánh ú để bán trong dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), song không khí tất bật, rôm rả lan ra cả xóm.
Bánh ú là tên gọi của một loại bánh dân gian hình kim tự tháp được kết hợp giữa nhân đậu xanh, nếp và gói bằng 3 hoặc 4 chiếc lá tre. Dịp Tết Đoan Ngọ, bánh ú là món không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng gia tiên của người Nam Bộ. Làm bánh ú không khó, nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người gói bánh.
Bà Nguyễn Thị Bông ở phường 5 quận 8, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Lâu lắm từ xưa bà, má làm tới bây giờ luôn mà bà má giờ đã tám mấy tuổi rồi, rồi truyền lại con cháu làm. Nhân này mình xào cũng mấy tiếng đồng hồ một chảo đó, cực lắm, xào thì tới chừng nào mình dỡ nhân không rớt xuống là được."
Công đoạn đầu tiên làm bánh ú là ngâm gạo nếp với nước tro
Đậu xanh sau khi được ngâm nước sẽ trộn đường rồi nấu chín, vo tròn để làm nhân
Bánh ú được gói bằng lá tre, chủ yếu là nhập từ Tây Ninh về
Bánh được nấu trong nồi ngập nước từ 6 tiếng đồng hồ trở lên, cũng canh bánh, châm nước, thêm củi lửa giống nấu bánh tét, bánh ít…
Ông Nguyễn Thanh Sơn ở phường 5 quận 8, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Luộc khoảng 6 tiếng trở lên, luộc xong đảo bánh cho nó chín, nhiều khi người ta cần bánh không có nhân gọi là bánh chay."
Bánh ú sau khi luộc chín, dội qua nước lạnh rồi được treo lên cho ráo
Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ “xóm bánh ú” quận 8 cung cấp ra thị trường xấp xỉ 200.000 cái bánh, chủ yếu giao mối cho các chợ, cho người mua về bán lẻ.
Bánh ú nơi đây được đánh giá vào loại ngon, cạnh tranh với nhiều lò bánh ú có tiếng khác của Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Dù là nghề theo mùa vụ, lợi nhuận không cao, thế nhưng những hộ làm bánh ở “xóm bánh ú” quận 8 vẫn cố gắng bám nghề, giữ một nghề làm bánh truyền thống.
Bà Phạm Thị Đẹp, một tiểu thương quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Bánh này quá ngon, năm nào tôi cũng mua, mà mua mỗi lần 2 then, là 2.000 ngàn cái, bánh chất lượng, được làm lâu năm."
Bánh ú chín có màu vàng hấp dẫn
Anh Huỳnh Văn Tài ở phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Làm lâu lắm, cực nữa. Nghề của ông bà từ xưa tới nay tới giờ mình làm theo, làm nối tiếp chứ ở đây có giải tỏa hay đi đâu cũng không còn ai làm bánh này nữa rồi."
Giữa cuộc sống đô thị hiện đại ngày nay, nhiều loại bánh truyền thống ngày càng ít được ưa chuộng, ít xuất hiện trong đời sống ẩm thực của người dân. Vậy nên càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi “xóm bánh ú” vẫn đỏ lửa, vẫn rộn ràng mỗi dịp Tết Đoan Ngọ để lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống, một món bánh dân gian đặc sắc cho chúng ta.
Vietnam Journey/ TTXVN