Tô mỳ Quảng gà của quán ăn đã hơn 30 năm có mặt ở Sài Gòn. Ảnh: Trịnh Thanh
Trên con đường Võ Thành Trang (Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), không khó để tìm một nơi bán mỳ Quảng nhưng lại rất khó để biết nên ăn quán nào, bởi các quán bán món ăn này nằm san sát hoặc chỉ cách nhau vài bước chân. Mỳ Quảng Tâm, mỳ Quảng Sâm, mỳ Quảng Mười… là những cái tên quen thuộc của dân Sài thành mê món Quảng.
Hấp dẫn mì Quảng gà
Nếu đã ăn hết những quán kể trên thì những ai mê mỳ Quảng phải ghé nốt quán mì Quảng Nghiêm tuổi đời 30 năm cho đủ bộ. Quán Nghiêm nổi tiếng với mỳ Quảng gà. Chắc hẳn có nhiều quán nhái tên Nghiêm nên chủ quán đề biển hiệu “Nghiêm cũ”.
Điều ấn tượng đầu tiên là không gian quán khá rộng rãi và ám màu thời gian. Khu vực dành cho thực khách ở sâu bên trong. Không gian rộng bên ngoài là nơi để xe và bếp.
Những thành phần của món ăn được bày trên một bàn lớn để khách đến có thể lựa chọn theo khẩu vị và sở thích của mình. Vì quán bày trí như vậy nên khách đến ăn nếu không quen sẽ hiểu nhầm rằng quán đang trong giờ nghỉ.
Chả lá của quán ăn rất ngon. Chả dài và cay, thơm mùi tiêu nên không bị ngán. Ảnh: Trịnh Thanh
Mỳ Quảng Nghiêm là điển hình cho một tiệm ăn theo kiểu gia đình vì nhân viên đều là họ hàng, anh chị em và con cái của chủ quán. Khâu phục vụ của quán khá nhanh, chưa đầy 5 phút sau khi gọi món, thực khách đã có tô mì hấp dẫn.
Các thành phần mỳ Quảng ở đây gồm gà, thịt heo, trứng cút và tôm. Tôi gọi một tô mỳ Quảng gà để thử, bởi theo cảm quan, gà là nguyên liệu tạo nên sự khác biệt giữa các quán.
Gà được kho đúng kiểu Quảng, hơi mằn mặn, không bị ngọt đường, có hương thơm nức của củ nén với lớp màu điều hấp dẫn.
Ngoài gà, mỳ Quảng ở đây còn có các thành phần khác như tôm, thịt, trứng cút. Thực khách lựa chọn theo khẩu vị và sở thích của mình. Ảnh: Trịnh Thanh
Tô mỳ khá trông khá hấp dẫn với màu trắng đục của sợi mỳ, màu vàng cánh gián của thịt gà, nước săm sắp chứ không nhiều như kiểu bún hay phở. Thành thực mà nói, mỳ Quảng ở Sài Gòn vẫn thua ở Đà Nẵng, nhưng vẫn là một trong những món có bản sắc riêng.
Với mỳ quảng Nghiêm, tôi cảm nhận được hương vị bình dị trong món ăn. Nước mỳ đậm đà, không có vị ngọt của đường hay vị lợ của bột ngọt.
Ăn mỳ Quảng mà không có bánh tráng chiên thì thật là một thiếu sót lớn. Bẻ một miếng bánh tráng, chấm với nước mỳ và thưởng thức cái giòn rụm kết hợp nước nhưn đậm đà, tạo nên cảm giác hào hứng đến lạ.
Quán chỉ bán mỳ Quảng trắng chứ không nhiều màu sắc như những nơi khác. Ảnh: Trịnh Thanh
Ảnh: Trịnh Thanh
Đậm đà chất Quảng
“Các nguyên liệu ở đây tươi, ăn vừa vị. Đến đây ăn, tôi chỉ chọn món mỳ Quảng gà, trứng cút thôi. Trong các quán mỳ ở khu vực này, tôi thích ăn ở đây nhất. Cách phục vụ của quán dân dã như ở quê vậy nên tôi thấy rất thoải mái”, chị Nguyễn Vũ Thanh Loan (34 tuổi) bày tỏ.
Bà Lan (56 tuổi) là người Quảng Nam vào Sài Gòn thăm con gái. “Con tôi dắt đến đây ăn hai bữa rồi, thấy ngon lại ghé ăn tiếp. Hương vị ở đây cũng giống ở ngoài đó”, bà chia sẻ.
Cùng cảm nhận với bà, ông Nguyễn Văn Hà (47 tuổi, ngụ Tân Bình) một người gốc miền Trung nói: “Mỳ ở đây cũng y như ở quê, người Quảng ăn như nào thì ở đây như vậy”.
Không gian quán rộng và thoáng mát. Điều khiến tôi thích thú là vừa ăn mỳ, tôi có thể xem ti vi và nghe bình luận bộ phim đang phát sóng, cảm giác như đang ăn cùng gia đình. Ảnh: Trịnh Thanh
Với riêng tôi, mặc dù quán đã có thâm niên hơn 30 năm ở Sài Gòn nhưng vẫn giữ được hương vị của quê nhà là điều đáng khâm phục.
Đặc sản của mỗi vùng phần nào thể hiện được đặc trưng trong văn hóa nơi đó. Sẽ là điều đáng tiếc nếu hương vị đó phải thay đổi theo khẩu vị của một nơi khác.
Trịnh Thanh/thanhnien.vn