Con đường Hạnh Phúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho Quốc lộ 4C dài 185 km từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50- 60 thế kỷ trước. Con đường đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, thể hiện sức mạnh của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Khánh thành công trình nhà bảo tàng con đường Hạnh phúc. Ảnh: Hagiangtv
Ngày 18/9/2019, UBND huyện Mèo Vạc phối hợp cùng Công ty cổ phần thương mại và du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn tổ chức khánh thành Nhà bảo tàng con đường Hạnh Phúc. Tham dự có lãnh đạo Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam; một số ban, ngành và đại diện Ban liên lạc Hội cựu thanh niên xung phong của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Hải Dương.
Công trình Nhà bảo tàng con đường Hạnh Phúc được khởi công từ tháng 6/2018. Công trình nằm ngay dưới chân Tượng đài thanh niên xung phong mở đường hạnh phúc nằm trên đèo Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan, với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng, quy mô trên 90 m2.
Sau hơn 8 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, về giá trị lịch sử và chất lượng. Bảo tàng đưa vào sử dụng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử anh hùng cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, nhất là thế hệ trẻ. Hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu về con đường Hạnh Phúc huyền thoại.
Một số hình ảnh của Bảo tàng con đường Hạnh Phúc:
Tại đây du khách sẽ hiểu hơn quá trình xây dựng con đường qua những bức ảnh tư liệu
Con đường Hạnh phúc được thực hiện hoàn toàn bằng sức người với những dụng cụ thô sơ
Cảnh quan tuyệt đẹp nhìn từ Mã Pì Lèng xuống dòng sông Nho Quế
Dốc Thẩm Mã - một cung đường ấn tượng của con đường Hạnh Phúc. Ảnh: Sunny Tran
Đường Hạnh Phúc. Ảnh: Sunny Tran
Theo vovworld.vn