Nam Ô là một làng cổ của Đà Nẵng có lịch sử hơn 500 năm tính từ khi vua Lê Thánh Tông mở rộng biên giới về phía Nam. Trải qua nhiều triều đại phong kiến, Nam Ô có vị trí chiến lược quân sự quan trọng khi nằm ở phía Nam cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân; nếu lập phòng tuyến có thể ngăn chặn bộ binh tiến quân ra Bắc vào Nam. Qua nhiều lần thay tên, thay đổi địa giới hành chính, Nam Ô hiện nay chiếm diện tích khoảng hơn hai cây số vuông thuộc phường Hòa Hiệp Nam.
Ở Nam Ô còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa như các giếng Chăm cổ, Miếu bà Liễu Hạnh, Lăng Ông Ngư, Dinh Cô hồn… Với người dân Nam Ô, đây là những di tích đặc biệt gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của biết bao thế hệ những người dân bám biển, sống nhờ biển.
Điểm du lịch thu hút khách nhất là bãi tắm Nam Ô hoang sơ, có độ dốc vừa phải, ven theo chân núi, phong cảnh núi cao đâm ra biển thật hùng vĩ. Đặc biệt ở đây có ghềnh đá Nam Ô là những nơi thu hút khá đông du khách đến tham quan, lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Bãi đá phủ rêu xanh lục kỳ thú hiện ra khi thủy triều xuống trông như một thảm cỏ xanh nằm trên bờ biển.
Sau khi tham quan, tắm biển, du khách có thể thưởng thức hải sản tươi sống được người dân đánh bắt hàng ngày. Đặc sản nổi tiếng nhất ở Nam Ô là gỏi cá trích, được chế biến theo hai cách là trộn thính nên được gọi là “gỏi khô” và trộn nước mắm pha với hỗn hợp tỏi ớt gừng nên gọi là “gỏi ướt”. Anh Trần Công Huy, chủ nhà hàng gỏi cá Thanh Hương cho biết: “Điều làm nên thương hiệu gỏi cá Nam Ô là độ tươi của cá, nước chấm sánh đậm đà ăn kèm với một số loại rau rừng đặc biệt được hái dưới chân đèo Hải Vân”. Một món ăn khác ở Nam Ô rất ít người biết là con ve lột xác rất béo, xào lên vị ngọt và thơm được người xưa đưa vào sử sách gọi là “chá thiền tử”.
Nam Ô còn là tên của thương hiệu nghề làm nước mắm nổi tiếng của Đà Nẵng, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện có hơn 100 hộ dân gắn bó với nghề làm nước mắm Nam Ô, mỗi năm làng nghề này cung cấp cho thị thường hàng chục nghìn lít nước mắm. Một trong những nét đặc trưng của mắm Nam Ô là cách làm mắm hoàn toàn thủ công và nước mắm làm ra được ủ ròng trong một năm để tinh chế ra loại mắm ngon nhất. Với nước mắm Nam Ô truyền thống, nguyên liệu chính để chế biến nước mắm là từ cá cơm than được ngư dân đánh bắt vào đầu tháng 3 âm lịch.
Du khách thường tham quan Nam Ô trong ngày sau đó lại quay về nghỉ ở trung tâm Đà Nẵng cách đó gần 20km bởi lẽ các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng ở Nam Ô hiện nay rất ít và chưa được tiện nghi. Được biết, UBND TP Đà Nẵng sẽ triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô để biến nơi đây thành điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, với những du khách từng đến tham quan Nam Ô và mong muốn có ngày trở lại, ai cũng hy vọng những di tích cổ, làng nghề truyền thống và nét sinh hoạt lâu đời của người dân sẽ được tôn trọng, bảo vệ, mãi là di sản quý báu của Đà Nẵng.
Theo vietnamtourism.gov.vn