Chùa Đậu là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Chùa thờ Đại Bồ Tát Pháp Vũ (thần mưa) hay bà Đậu nên người dân còn gọi là chùa Đậu.
Chùa Đậu còn có những tên gọi khác là: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong chùa còn lưu nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông... Ðặc biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17.
Tại đây còn giữ được cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp, đầu thế kỷ thứ 3 (200 - 210). Sách kể rằng, một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất trông tựa hình một bông sen đang nở. Lại nghe đồn năm đó như có luồng linh khí phát quang, Quách Thông trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đó là nơi đất Phật, bèn sai lập chùa để dân trong vùng làm chốn tu nguyện đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự.
Chùa này chủ yếu dành cho các bậc vua chúa, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày có hội, nên gọi chùa Vua. Tại đây Bồ Tát hiện thân nữ nên gọi chùa Bà. Ngay từ khi mới lập, chùa đã nổi tiếng linh thiêng. Bậc trí sĩ tới cầu mùa màng tươi tốt, lộc lắm, hoa nhiều, quả đậu trĩu cành… từ đó dân gian còn có tên gọi là chùa Đậu (Đậu cũng có nghĩa là Thành Đạt.)
Chùa Đậu được nhiều đời vua chúa sửa chữa, tôn tạo. Đặc biệt, tới đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa được phong “Đệ nhất danh lam”. Sử sách ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng.
Cổng Tam quan chùa Đậu
Gác chuông trên cổng Tam quan
Ngôi Tam Bảo nguy nga phía trong chùa
Pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh còn nguyên vẹn từ thế kỉ 17
Hiện chùa đang lưu giữ 2 pho tượng của 2 nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Đây là 2 vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan
Đầu năm 1993, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và khảo sát thi công trùng tu lại 2 pho tượng này
Chiếc khánh bằng đồng khổng lồ được treo tại gian thờ 2 vị pho tượng của chùa
Thay vì những vách đá rêu phong, những gian thờ ở chùa được thay bằng những tấm vách gỗ được điêu khắc họa tiết tỉ mỉ, vừa làm tôn lên vẻ trang nghiêm lại vừa giữ được nét cổ kính vốn có của ngôi chùa
Bức tường nhân quả trong khuôn viên chùa nhằm dạy cho những phật tử đến chùa cách đối nhân, xử thế, bài học về luật nhân quả
Tượng La Hán dọc 2 bên hành lang của chùa Đậu
Người dân đến chùa cầu cho mọi điều suôn sẻ, cuộc sống bình an
Bạn Hà Vy, là sinh viên năm nhất của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình đến chùa Đậu, từ lúc bước đến cổng chùa khung cảnh trong chùa làm lòng mình thấy thật sự an yên. Mình đến chùa lần này để cầu mong sẽ thành công trong kì kiểm tra của mình sắp tới và cầu mong cho sức khỏe của bản thân và gia đình."
Chùa Đậu không chỉ thu hút những người cao tuổi đến mà còn là nơi để các bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về di tích, lịch sử và các bạn trẻ cũng không quên cầu bình an, thành công trong sự nghiệp
Cây cầu tre là cầu nối giữa tháp bút ở giữa hồ và phần đất liền của chùa
Hòn non bộ mới được chùa xây dựng nhằm tôn tạo cảnh quan để chuẩn bị cho lễ hội thường niên của chùa Đậu
Bên cạnh các gian thờ chính còn có gian thờ Mẫu, các phật tử thường đến để cầu xin quẻ vào đầu năm, cầu cho một năm mới may mắn, bình an đến gia đình
Chùa được xây dựng với rất nhiều không gian để Phật tử nghỉ ngơi, đọc sách và ngồi nghe các tăng ni, sư phụ trong chùa giảng giải Phật pháp
Hiện chùa đang được tôn tạo, sửa chữa để chuẩn bị cho lễ hội thường niên, diễn ra từ ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng
Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng theo lịch âm. Hàng năm, vào những ngày này, chùa Đậu đón hàng ngàn lượng khách tham quan và Phật tử gần xa đến với lễ hội.
Lê Vân/VOVTV
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |