“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” |
40 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kiên cường và vĩ đại của dân tộc. Tại điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt năm xưa giờ đã phủ bạt ngàn màu xanh của cây cối. Nơi đây sừng sững một đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương tổ quốc, quê hương.
Đài hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ do các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356, đồng đội và thân nhân liệt sĩ đóng góp công sức và tiền bạc xây dựng
Đài hương 468 được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2, bao gồm một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác, là nơi để thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Lối lên Đài tưởng niệm 468
Từ Đài tưởng niệm 468 có thể bao quát được những điểm cao khác: 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi nhiều người lính đã nằm lại với Đất Mẹ trong cuộc chiến đấu kiên cường năm xưa…
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, điểm cao 468 được coi là chiến trường ác liệt nhất. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sỹ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập; hàng ngàn héc-ta đồi núi vẫn còn vật liệu nổ của những trận địa hai bên chiến tuyến.
Cũng tại đây, quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ vẹn toàn biên cương. Máu của các anh hùng đã hòa cùng đất nước, mang lại một màu xanh no ấm và thanh bình cho Tổ quốc và nhân dân.
Ông Vàng Văn Xuyên, người lính đặc công thuộc Trung đoàn 824 may mắn trở về từ khói lửa đã nhiều năm đảm nhận công việc trông nom, hương khói tại Đài hương 468. Mỗi lần có đoàn khách đến, ông lại đóng vai trò nhân chứng lịch sử, kể lại cuộc chiến bi hùng năm xưa, sự dữ dội của chiến tranh, lòng quả cảm của các anh hùng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Đất Mẹ, và khát vọng hòa bình đến cháy bỏng của một người thấu hiểu đến tận cùng sự tàn bạo của chiến tranh.
Cựu chiến binh Vàng Văn Xuyên, lính đặc công thuộc Trung đoàn 824 kể chuyện cho khách tham quan về những năm tháng chiến đấu bảo vệ tổ quốc
“Ròng rã trong vòng hai năm 1984 - 1985 không ngớt một tiếng súng nào. Bộ đội ta khi ấy bữa no, bữa đói nhưng tinh thần hừng hực ý chí “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Thời ấy, khổ nhất là anh vận tải ban đêm vận chuyển lương thực, súng đạn rồi lại mang thương binh, tử sĩ ra.
Lời thề của người lính Vị Xuyên "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" khắc trên Đài tưởng niệm 468
“Chúng tôi đã sống và chiến đấu theo đúng lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” được khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, nhất quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.” – người cựu chiến binh năm xưa rưng rưng kể lại.
Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm 468
Ông Vũ Ngọc Nãi, Hội cựu thanh niên xung phong Hà Giang, từng tham gia xây dựng "Con đường Hạnh phúc" vượt đèo cao núi đá bày tỏ niềm xúc động khi được tới thắp hương cho những anh hùng, liệt sĩ trên điểm cao 468.
Ông Vũ Ngọc Nãi, Hội cựu thanh niên xung phong Hà Giang
“Với tôi, những năm tháng tham gia làm Con đường Hạnh phúc là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời. Thế hệ cha anh đi trước đã làm nên những trang sử hào hùng. Thế hệ trẻ hãy cố gắng kế thừa truyền thống anh hùng, quả cảm đó.” – ông Vũ Ngọc Nãi chia sẻ.
Triển vọng trở thành một điểm du lịch tiềm năng |
Công trình Đài tưởng niệm 468 khánh thành từ ngày 25-6-2016, nhưng theo anh Trần Minh Hiếu, một hướng dẫn viên du lịch chuyên tuyến điểm Hà Giang chia sẻ, ngoài những cựu chiến binh, điểm đến này chưa được đông đảo khách du lịch biết đến.
Đoàn cựu chiến binh tỉnh Nam Định thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ
Đó cũng chính là nỗi niềm đau đáu của người hướng dẫn viên “trót” yêu và gắn bó với mảnh đất địa đầu tổ quốc. Đến Hà Giang lần này, anh Trần Minh Hiếu cùng với gần 100 anh em hướng dẫn viên 3 miền Bắc, Trung, Nam tụ họp về đây cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và tìm hiểu về những trang sử hào hùng gắn với điểm cao 468, để quảng bá đến đông đảo du khách từ khắp mọi miền đất nước.
Hướng dẫn viên Trần Minh Hiếu dẫn đoàn famtrip "Hà Giang mùa nhớ" 2019
“Theo tôi biết thì điểm cao 468 không phải là một địa điểm mà khách du lịch tìm đến khi đến Hà Giang. Đây là lần đầu tiên tôi dẫn một đoàn khách “đặc biệt” đến với điểm cao 468 này. Đặc biệt ở chỗ họ là những thanh niên trẻ, và phần lớn là những hướng dẫn viên đã có kinh nghiệm dẫn đoàn.
Tôi mong muốn lan tỏa địa điểm này đến với nhiều du khách hơn để nơi này trở thành một điểm hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của cha ông ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới năm xưa."
Đoàn famtrip "Hà Giang mùa nhớ" với gần 100 hướng dẫn viên 3 miền Bắc, Trung, Nam đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử của Điểm cao 468 và thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ
Không còn gì phù hợp hơn là truyền thông điệp đó cho các hướng dẫn viên, họ chính là những sứ giả giúp quảng bá hình ảnh Hà Giang, trong đó có đài tưởng niệm trên điểm cao 468 đến với du khách trong nước và quốc tế, để thêm hiểu và tự hào về quê hương, đất nước.” – anh Minh Hiếu chia sẻ.
Bạn Hồ Thị Cẩm Hiền, hướng dẫn viên Huế bày tỏ sự ấn tượng khi lần đầu tiên được đến Đài hương tưởng niệm 468.
Bạn Hồ Thị Cẩm Hiền, hướng dẫn viên Huế ấn tượng trước phong cảnh núi non hùng vĩ tại Điểm cao 468
“Đây là lần đầu tiên em đến điểm cao 468, ấn tượng đầu tiên của em là choáng ngợp bởi phong cảnh núi non hùng vĩ nơi đây, sau đó là niềm tự hào về những cuộc đấu tranh kiên cường, quả cảm của cha ông ta để bảo vệ biên cương, lãnh thổ thiêng liêng. Đây sẽ là một điểm đến lý tưởng đối với bất cứ du khách nào muốn tìm hiểu nguồn cội của dân tộc. Trong những lần dẫn đoàn tới Hà Giang, chắc chắn em sẽ giới thiệu tới du khách về điểm đến lịch sử này.”
Với cảnh quan kỳ vĩ cùng lớp trầm tích lịch sử oai hùng, Đài hương tưởng niệm 468 hội tụ đủ tiềm năng để trở thành nơi đáng đến của đông đảo du khách từ mọi miền tổ quốc. Và những người cựu chiến binh của chiến trường Vị Xuyên năm xưa như ông Vàng Văn Xuyên đã, đang và sẽ là những “trang sử” sống động, những chứng nhân lịch sử góp phần lan tỏa những giá trị trường tồn của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay.
Anh Vũ – Ngọc Quỳnh – Tiến Sỹ/ Vietnam Journey