Chợ phiên vào 19h tối thứ 7 hàng tuần là một trong những nét đẹp văn hóa của Lai Châu. Chợ đông nhất vào khoảng từ 20h - 22h. Ngoài phục vụ du khách, chợ cũng là điểm hẹn của nam thanh, nữ tú địa phương gặp gỡ, tâm tình.
Khách đến chợ đêm San Thàng lúc khoảng 19h. Ảnh: Tạp chí Du lịch
Ngay từ cổng chợ, du khách sẽ được thưởng thức giai điệu rộn ràng của bài hát "Chợ phiên Lai Châu". Có hai khu vực tham quan, nối với nhau bằng cây cầu nhỏ vắt qua dòng suối.
Khu vực thứ nhất là gian hàng ẩm thực, gồm các món ăn của người Giáy (xã San Thàng). Nếu đi ít người và muốn ăn nhẹ, du khách nên chọn ăn phở nhắng. Bánh phở do chính tay người dân trong xã tự làm, ăn kèm với thịt lợn. Trong tiết trời se lạnh, sợi phở dai, mềm, nước dùng ngọt, béo, quyện cùng vị cay của ớt, vị thơm của rau húng, vị ngai ngái của rau ngót chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách.
Phở nhắng - đặc sản truyền thống của dân tộc Giáy được nhiều người yêu thích. Ảnh: Tạp chí Du lịch
Thắng cố ngựa ô cũng là món ăn đặc trưng của chợ. Khách thường quây quần bên nồi thắng cố nóng hổi, thơm lừng, uống rượu ngô và trò chuyện. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức các loại đồ nướng, bánh cuốn; đồng thời mua về làm quà những đặc sản như ngô bung, bánh giầy, bánh bỏng, bánh rán...
Bên cạnh ẩm thực, khách có thể qua khu sân khấu ngoài trời để xem chương trình văn nghệ. Mỗi tuần, người dân sẽ biểu diễn một chương trình mới, với sự góp mặt của các đội văn nghệ trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Kết thúc chương trình, khách có thể hòa mình vào vòng xòe đoàn kết cùng bà con dân tộc.
Ông Bùi Đức Phong, cán bộ văn hóa xã San Thàng cho biết: "Xã có 15 đội văn nghệ ở các bản, duy trì tập luyện, biểu diễn tại chợ đêm và các dịp lễ, tết... Hoạt động này không chỉ nhằm hấp dẫn du khách mà còn tạo động lực để bà con gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời, biến tiềm năng, lợi thế của địa phương thành sản phẩm du lịch, nâng cao đời sống".
Theo Tạp chí Du lịch