Du khách quốc tế nghe giới thiệu về cây cọ và nguyên liệu làm nón lá tại làng nón Gia Thanh
Nghề làm nón lá ở Gia Thanh có truyền thống gần 100 năm. Mỗi chiếc nón lá đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề. Thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề, những chiếc nón lá vừa trắng vừa nhẹ, vừa bay vừa bền của Gia Thanh đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Tuy nhiên, để phát huy được giá trị của làng nghề, cần có những đóng góp tích cực hơn nữa từ không chỉ bản thân các làng nghề mà còn từ mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt, từ những hoạt động mang tính quảng bá giới thiệu và trao đổi thương mại như: du lịch, hội chợ làng nghề…
Giẽ lá và là lá là công đoạn đơn giản nhưng quyết định chất lượng, độ phẳng của mặt nón lá
Những năm gần đây, thực hiện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, du lịch làng nghề gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá địa phương được xác định là một sản phẩm không chỉ thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống và các giá trị văn hóa dân tộc, làng nghề nón lá xóm Rền xã Gia Thanh đã trở thành một điểm đến được ưa chuộng, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Những chiếc nón lá từ làng đã đi khắp mọi miền đất nước theo các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh Phú Thọ và được du khách chọn mua về làm quà tặng.
Nếu muốn trải nghiệm một công đoạn nào đó thì có lẽ, “là lá” là việc dễ nhất với các du khách quốc tế
Cùng với đó, tour tham quan làng nghề xóm Rền cũng mang đến cho du khách trải nghiệm các quy trình làm nên chiếc nón lá, hiểu sâu hơn về đặc điểm riêng của chiếc nón lá Phú Thọ. Đặc biệt, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử thông qua những hình ảnh ghi lại các cuộc khai quật khảo cổ và hình ảnh các di vật tại nhà văn hóa khu (các di vật nay được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương) - chứng tích về một làng nghề từng tồn tại nơi đây.
Theo Tạp chí Du lịch
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |