Trở lại Chapơr
Từ quốc lộ 27B, rẽ vào xã Phước Tân, băng qua các thôn Đá Trắng, Ma Ty, Ma Lâm bọc theo đường rừng, chúng tôi về lại thác Chapơr. Con đường liên thôn xã Phước Tân đi lên Chapơr đã xuống cấp với nhiều chỗ bị biến dạng, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”.
Theo người dân địa phương, vào ngày nắng, mặt đường đầy bụi bặm, đá 4x6 lổm ngổm; còn ngày mưa, mặt đường lầy lội, trơn trượt, khiến xe máy, ô tô phải đi trên những vũng sình lầy để vào thác, rất nguy hiểm. Băng qua thôn Ma Lâm, những con “ngựa sắt” chạy ngược lên núi, đưa chúng tôi đến điểm dừng xe máy-bãi tập kết (tên gọi của người dân địa phương tập trung ở chỗ này để lên thác, hoặc vô rừng khai thác).
Để xe máy lại, bắt đầu đi bộ dọc theo triền núi, uốn lượn theo dòng suối Chapơr. Con đường dã chiến được làm cách đây gần 10 năm đã xuống cấp, hư hỏng, hun hút, cỏ dại, cây rừng mọc um tùm. Càng vô sâu đường càng khó đi, nhiều đoạn bị hư hỏng, nhiều cây rừng ngã đổ, cây tre, cây buông bị người đi rừng phát nhọn hoắt, chìa ra, nếu không để ý sẽ rất nguy hiểm cho du khách và người đi đường qua lại khu vực này.
Mất gần 20 phút đi bộ, thác Chapơr bắt đầu dần lộ ra. Nằm sâu trong rừng già Vườn Quốc gia Phước Bình, thuộc địa bàn 2 xã Phước Tiến và Phước Tân, Chapơr là một con suối tự nhiên chưa có sự tác động của con người giữa rừng nguyên sơ, thác nước chảy thẳng đứng từ độ cao trên 60m xuống, với bề ngang chân thác rộng 40m; dòng nước trong vắt như mái tóc tiên nữ, dài, đẹp óng ả đến mê hồn, nhẹ nhàng phủ lên nhiều tảng đá của vách núi Ma Lâm, ẩn hiện trong màu xanh của núi rừng. Những dòng nước trong xanh, hiền hoà róc rách, vắt len lỏi tạo thành những ao nước bậc thang có diện tích từ vài chục m2, có chỗ như một cái hồ rộng 300-400m2 nước trong xanh mát lạnh, độ sâu chỉ qua đầu người một sải tay như hồ bơi thiên tạo, bờ hồ là những gềnh đá phẳng lì nấp dưới tán cây rừng kín đáo.
Chị Pinăng Thị Phước, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Tân, vừa dẫn dường vừa dẫn chuyện cho chúng tôi biết: Thác Chapơr có độ cao khoảng 60m, là ngọn thác lớn nhất trong hệ thống 3 cụm thác ở đây. Thác Chapơr còn được ví như một nàng tiên có mái tóc dài óng ả, đẹp đến mê hồn, bởi bên cạnh vẻ đẹp của dòng thác từ trên cao đổ xuống là sự hài hòa của thiên nhiên với rừng trúc và rừng bằng lăng bạt ngàn. Thác Chapơr bắt nguồn từ đỉnh núi Ma Nai và được tạo thành bởi nhiều dòng suối trong hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn nên có nước chảy quanh năm không cạn.
Bên cạnh đó, nhờ được bảo vệ tốt nên hệ động - thực vật ở đây rất phong phú với nhiều loài gỗ quý, như: Hương, Cămse, Gõ, Bằng Lăng và nhiều loài động vật như: khỉ, Bò Min, nai, đỏ, heo rừng… Hiện người dân ở thôn Ma Lâm vẫn giữ được nguyên nếp sống, sinh hoạt mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Raglai.
Chapơr - Bao giờ được đánh thức
Có thể nói việc phát hiện thác Chapơr năm 2008 như một điểm nhấn du lịch của tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung lúc bấy giờ. Trên các phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương thời điểm ấy đều “dành đất” chuyển tải về khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, huyền bí của thác Chapơr.
Thời điểm đấy, UBND tỉnh đã lập đoàn công tác đi khảo sát. Sau chuyến khảo sát, một con đường dã chiến đã được mở ra trên nền đường mòn rừng từ thôn Ma Lâm đến điểm dừng chân gần thác, với mục tiêu khai thác tiềm năng sinh thái và hệ thống suối thác Chapơr, đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Chapơr thành một khu du lịch sinh thái và điểm tham quan của Ninh Thuận gắn với các di tích lịch sử của huyện Bác Ái, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch và đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư, dẫn đến khu du lịch sinh thái này vẫn chưa được khai thác!.
Khó khăn có, nhưng không phải là không khai thác được tiềm năng du lịch thác Chapơr. Trao đổi với nhiều doanh nghiệp du lịch, họ cho biết: Một trong những khó khăn khai thác tuyến du lịch này đó là vận chuyển đưa du khách đến được thác Chapơr. Ông Khoa Danh, Doanh nghiệp Khoa Danh Travel, cho biết: Trong khi chờ các nhà đầu tư vào dự án, trước mắt tỉnh cần nâng cấp con đường liên thôn Phước Tân đến thôn Ma Lâm, từ đây chỉ cần mở một con đường cấp phối để các loại xe địa hình, xe du lịch vận chuyển khách lên đến điểm tập kết. Còn dọc con đường vào thác, chỉ cần chính quyền địa phương huy động thanh niên, người dân phát quang, cắm những biển báo chỉ dẫn, là khai thác được tiềm năng của Chapơr.
Cùng quan điểm, ông Lê Diệp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist, cho hay, năm 2017, công ty đưa hàng chục nghìn du khách đến Ninh Thuận, rất nhiều du khách đều muốn đến tham quan, khám phá thác Chapơr, nhưng ngoài khách “phượt” công ty nhận, còn khách tour không dám vì không vận chuyển khách lên được. Theo ông Tùng, tỉnh Ninh Thuận nên học các mô hình khai thác thác nước ở Lâm Đồng, họ chỉ mở đường “dã chiến” vận tải khách gần đến điểm tham quan. Khi có đường, có khách tham quan, tự nhiên dịch vụ sẽ bùng phát “ăn theo”. Lúc đấy, không những giải quyết được điểm đến cho du khách, mà còn lưu giữ du khách, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng, tham quan ở Ninh Thuận.
Ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Khu du lịch sinh thái Chapơr là một trong 6 khu du lịch được tỉnh quy hoạch trọng điểm, kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận. Hiện nay, tỉnh đã quan tâm đầu tư tuyến đường Phước Đại-Phước Tân chạy qua Chapơr, khi hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông qua lại. Chỉ còn đoạn đường đấu nối giữa đường Phước Đại-Phước Tân lên Chapơr và bãi tập kết kết khoảng hơn 3 cây số. Chúng tôi rất mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư đoạn đường này để khai thác có hiệu quả tiềm năng khu du lịch sinh thái này.
Theo Báo Ninh Thuận
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |