Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" rộng hơn 20ha được bao phủ trong màu xanh của cỏ cây, hoa lá và những bụi tre. Ngay cổng vào là hình ảnh cách điệu quả trứng lớn nhắc nhở về cội nguồn dân tộc với câu chuyện của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Tiếp theo đó là các tiểu cảnh đặc trưng văn hóa lịch sử ba miền Bắc - Trung - Nam như: Cổng Cổ Loa, thác Bản Giốc, hồ cá chép hóa rồng, ruộng bậc thang, nhà rông của Tây Nguyên... được phục dựng tại khuôn viên của khu du lịch. Mỗi công trình đều có một câu chuyện, một thông điệp văn hóa lịch sử mà chủ nhân khu du lịch gửi gắm đằng sau đó.
Cổng vào Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"Tiểu cảnh quả trứng lớn gợi nhắc về nguồn cội dân tộc ở cổng vào khu du lịchKhông gian xanh mát, yên bình ở khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"
Du khách du xuân, chụp hình tại khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"
Ít ai biết rằng, để có được “Một thoáng Việt Nam” như ngày hôm nay thì hơn 30 năm qua, người con gái của đất thép Củ Chi, Trần Thị Tuyết Nga đã phải đổ bao công sức để lấp vùng đầm lầy bưng biền, đầy rẫy hố bom. Từng tham gia chiến đấu, sống trong rừng, lớn lên trong rừng Củ Chi nên hơn ai hết, bà Nga hiểu từng tấc đất ngọn cỏ nơi đây. Hòa bình lập lại với mong muốn hồi sinh cho vùng đất quê hương cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa Việt, bà Trần Thị Tuyết Nga đã thành lập Hợp tác xã làng nghề "Một thoáng Việt Nam", sau này phát triển thành khu du lịch.
Bà Trần Thị Tuyết Nga - Giám đốc khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"
Khu không gian nhà truyền thống gợi nhắc về vẻ đẹp của những nếp nhà xưa
30 năm xây dựng “Một thoáng Việt Nam” cũng là quãng thời gian bà Nga trải qua không ít thăng trầm để theo đuổi triết lý làm du lịch bền vững, gửi gắm vào đó lòng tự hào dân tộc, bảo tồn và phát triển những nét tinh hoa văn hoá Việt. Chính vì vậy, bà Nga đã lặn lội đi khắp các vùng miền để sưu tầm các hiện vật lịch sử, văn hóa hay hàng trăm loài thực vật, tre trúc ở khắp 3 miền, mời nghệ nhân từ các làng nghề về để làm hướng dẫn viên trong khu du lịch.
Học sinh được trải nghiệm làm giấy dó ở "Một thoáng Việt Nam"
Nơi giới thiệu cho các em học sinh về quy trình làm nông nghiệp hữu cơ
Bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc thì bà Trần Thị Tuyết Nga còn có mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ thông qua du lịch. Bởi vậy, sau thời gian đóng cửa để cải tạo nâng cấp thì đầu tháng 1 năm 2021 này, Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" đã mở cửa trở lại. Trong khuôn viên khu du lịch rộng hơn 20ha có thêm một khu công nghệ cao, nơi mà du khách, đặc biệt là các em học sinh được tìm hiểu về vai trò của đất và nước, quy trình làm nông nghiệp hữu cơ hay tìm hiểu quy trình trồng nấm, quá trình chiết xuất tinh dầu từ các loại cây cỏ, thảo dược Việt Nam...
Khu giáo dục công nghệ cao là điểm mới tại trong lần mở cửa trở lại này của "Một thoáng Việt Nam"
Các em học sinh tham quan tìm hiểu về môi trường đất và nước tại khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"
Không chỉ là địa chỉ du xuân mà bất kỳ thời điểm nào trong năm, khi muốn tìm một không gian thư thái để nghỉ ngơi thì người dân và du khách đều có thể đến với “Một thoáng Việt Nam”. Hy vọng rằng trong thời gian tới khu du lịch này sẽ góp thêm sắc màu cho bức tranh du lịch của TPHCM.
Một thoáng yên bình, hoài cổ của khu du lịch "Một thoáng Việt Nam"Những tiểu cảnh được trang trí hoa mai, câu đối Tết tại khu du lịch
Minh Thắm / VOV TPHCM
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |