Thác Trái Tim nằm giữa bốn bề núi đá dựng đứng tại xã Sin Suối Hồ. Ảnh: Quang Long
Từ trung tâm bản Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu, để tới được thác Trái Tim, du khách phải đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh, dọc theo con suối Vàng với chiều dài cả quãng đường khoảng 1.500m. Trên con đường ấy, du khách sẽ có những cảm nhận rất riêng, rất thú vị qua mỗi mùa khác nhau. Mùa Xuân, con đường dẫn tới thác trở nên đẹp hơn nhờ vẻ đẹp kiêu hãnh của hoa lan; mùa Hạ, con đường ấy trở nên thơ mộng bởi những bông hoa sim; mùa Thu - mùa thu hoạch thảo quả sẽ khiến du khách cảm thấy thú vị hơn rất nhiều trong chuyến hành trình khám phá mảnh đất này; mùa Đông đến, bước chân du khách như thể dẫm được lên những đám mây. Tất cả như hòa vào nhau tạo thành bức tranh sơn thủy đầy màu sắc.
Trên đường lên ngọn thác, dòng chảy tạo thành dòng suối nhỏ đổ theo vách đá, tung bọt trắng xóa như vũ điệu của núi rừng. Ngọn thác còn là minh chứng cho tình yêu đôi lứa trong bản. Mỗi lần bước đến nơi đây, lắng nghe người dân địa phương kể câu chuyện mà họ vẫn lưu truyền về mối tình đẹp giữa đôi trai gái người dân tộc Mông.
Chuyện xưa kể lại rằng, tại một bản người dân tộc Mông dưới chân thác có một chàng trai khôi ngô, dũng mãnh, giỏi săn bắt đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp, giỏi thêu thùa, may vá. Cả hai quấn quýt và thương yêu nhau tha thiết như con hươu, con nai trên rừng. Cả bản ai cũng ngưỡng mộ tình yêu của đôi trai tài, gái sắc. Cả hai say sưa trong chén men tình không được bao lâu thì chàng trai phải lên đường đi đánh giặc, nàng chờ chàng không biết bao mùa trăng mọc rồi trăng lặn mà vẫn chưa thấy chàng về. Rồi nàng hay tin chàng đã tử trận tại chiến trường xa xôi. Quá đau buồn, nàng tìm đến nơi ngày xưa họ thường hay hẹn ước, khóc thương chàng rồi nàng hóa thành thác nước.
Thấm thoắt thời gian qua đi, cả bản ngỡ ngàng khi thấy chàng trai đánh trận mang vinh quang trở về. Hóa ra, tin chàng chết nơi chiến trận chỉ là lời đồn ác miệng của quân giặc. Biết chuyện người yêu như vậy, chàng trai lên đỉnh ngọn thác kêu gào, tiếng thét như xé rách núi rừng, cầu xin núi rừng hãy để họ mãi bên nhau muôn đời, muôn kiếp.
Cảm động trước tình yêu đôi lứa, đất trời đã biến chàng thành tảng đá hình trái tim nằm ngay giữa thác nước, để đôi trẻ được ở bên nhau mãi mãi. Thác Trái Tim chính là minh chứng cho tình yêu bất diệt. Dân bản cũng xem ngọn thác này là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa trong bản. Đây là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ mà dân bản kể lại từ đời này qua đời khác.
Đến với thác Trái Tim, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, đó là chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đó là cảm giác đắm mình trong làn nước mát của dòng suối dưới chân thác, tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Du khách còn có thể trải nghiệm những khoảnh khắc thả hồn ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và niềm vui khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Thật vậy, thác Trái Tim chính là điểm đến lý tưởng của những người yêu thiên nhiên hay là một cách để ai đó có thể thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, thế nhưng, khi dạo bước dưới chân thác Trái Tim, điều du khách cảm nhận được chính là sự thoải mái, trong lành với dòng nước mát lạnh từ con thác đổ về ở nơi đây. Anh Nguyễn Thành Vinh, khách du lịch đến từ thành phố Hà Nội cho biết: “Tranh thủ thời gian con cái được nghỉ hè, gia đình tôi đưa các cháu lên đây du lịch. Thời gian này, ở Hà Nội đang vào đợt đỉnh điểm của nắng nóng gay gắt nên chúng tôi đến đây để thư giãn và nghỉ ngơi”.
Được biết, trong những năm qua, phát huy lợi thế của điều kiện tự nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sin Suối Hồ đã đẩy mạnh phát triển du lịch khám phá. Hiện nay, cả bản có hơn 10 gia đình phát triển mô hình du lịch homestay, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho hơn 100 du khách.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Trước đây, bản nghèo lắm, đến cái ăn, cái mặc còn không đủ. Nhưng từ ngày phát triển du lịch, đường vào bản luôn sạch sẽ, buôn bán thuận lợi khiến cuộc sống bà con thay đổi rất nhiều”. Anh Chỉnh cho biết thêm, nhiều gia đình trong bản đang đầu tư nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển thêm mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương, qua đó thu hút khách du lịch đến với vùng đất Tây Bắc này.
Quang Long