Những món trong thực đơn mỗi ngày chỉ bán đúng số ly in trên menu, nếu ngày hôm đó bán đủ số lượng món đó rồi, khách sẽ vui vẻ chọn món khác. Ảnh: Vũ Phượng
Quán của Thời Thanh Xuân không còn xa lạ với những ai từng đến Đà Lạt. Đây là ngôi nhà chung của những bạn trẻ câm điếc, nơi họ được học tập, rèn luyện để trở nên tự tin và bản lĩnh hơn. Đặc biệt họ được học nghề, tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau từ đó tìm ra đam mê của mình và theo đuổi đam mê ấy. Với mục tiêu này, anh Võ Thành Luân (32 tuổi, chủ quán) đã mở chi nhánh mới ở Sài Gòn. Quán nằm trên lầu 2 của một ngôi nhà trên con đường Đồng Khởi sầm uất bậc nhất, không bảng hiệu, nhưng khách vẫn ghé đều dù chỉ mới khai trương cách đây không lâu.
Luôn tin rằng người Sài Gòn hào sảng
Giữa trưa một ngày Sài Gòn nắng oi ả, tôi tìm đến Quán của Thời Thanh Xuân theo lời chỉ dẫn trên fanpage quán. Vừa bước qua cánh cửa, tôi cảm nhận được ngay hương thơm dìu dịu của oải hương và gỗ thông quyện vào nhau. Không gian ấm áp, yên tĩnh và bản nhạc du dương khiến mệt mỏi như tan biến hết.
Không gian ấm áp của quán, từng bộ bàn ghế do chính thợ ở Đà Lạt xuống đóng. Ảnh: Vũ Phượng |
Hạnh (25 tuổi, nhân viên phục vụ) đứng lên cúi chào rồi cầm cuốn menu đưa khách, mỉm cười thân thiện. Menu của quán rất lạ, không có giá tiền, chỉ có vài số bên cạnh hình ấm trà, ly nước. Vì phục vụ ở đây là người điếc nên khách sẽ chọn thức uống bằng cách rút những que tre trong hộp có màu tương ứng với thức uống để nhân viên hiểu. Giải thích về lý do mở quán ở Sài Gòn, anh Võ Thành Luân chia sẻ, cứ mỗi quán được mở, người điếc ở nơi đó lại có cơ hội để làm việc. Ngay sau Đà Lạt, anh chọn mở ở Sài Gòn vì tin là với sự hào sảng của người Sài Gòn, quán sẽ đứng được và tồn tại được.
Hai bạn nhân viên quán nói chuyện cùng nhau. Ảnh: T.L |
“Mình không quan trọng việc khách đến uống trà, cà phê trả bao nhiêu tiền vào thùng đó. Trà, bánh, nước chỉ là câu chuyện để mọi người tiếp cận với trẻ điếc và có dịp để mua xà bông, tinh dầu chất lượng đã được kiểm nghiệm do chính tay các bạn điếc làm”, anh Luân tâm sự. Một điều đặc biệt nữa ở quán, đó là những món trong thực đơn mỗi ngày chỉ bán đúng số ly in trên menu, nếu ngày hôm đó bán đủ số lượng rồi, khách sẽ vui vẻ chọn món khác, hoặc đơn giản, ngồi uống nước lọc, nghe nhạc và thư giãn với mùi hương dịu nhẹ.
Bình yên cùng cà phê và vài viên socola. Ảnh: Vũ Phượng |
Anh Vĩnh Khang (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ, anh đã biết quán này ở Đà Lạt từ lâu nhưng chưa có dịp ghé. Hôm nay, anh ghé lại đây vì tình cờ đọc được một bài viết trên Facebook. “Quán rất khác so với những quán cà phê ở Q.1. Không gian rất yên ắng. Khi làm việc mệt vô đây nghỉ ngơi yên tĩnh sẽ thoải mái hơn và nhanh chóng lấy lại tinh thần thay vì ngồi ở những quán ồn ào”, anh Khang nói.
Anh Quang Khanh (29 tuổi) cũng cho biết, ban đầu anh nghĩ sẽ khó order nước vì trở ngại giao tiếp, nhưng khi vừa đặt chân vào quán, nhìn menu và tờ giấy hướng dẫn anh đã có thể dễ dàng gọi nước.
‘Không trả tiền cũng không sao’
Ở Đà Lạt, quán có để thùng tiền cho khách tự trả. Khi không có nhân viên ở quán, thùng tiền vẫn được đặt ở đó để khách cần mua gì hay uống nước gì sẽ tự lấy rồi bỏ tiền vào thùng. Và trong suốt 3 năm hoạt động, quán đã nhiều lần bị mất thùng tiền cùng nhiều món lặt vặt.
Anh Luân nói chuyện cùng nhân viên ở quán. Ảnh: Lê Nam |
Khi quyết tâm thực hiện dự án này, anh Luân và tất cả nhân viên công ty đã đi học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người điếc. Ảnh: Lê Nam |
Dù vậy, quán vẫn nhất quyết không lắp camera, mà tin rằng không ai nỡ làm việc đó, chắc ai đó đang sa cơ cần số tiền đó nên mới lấy cả thùng tiền. Và vì quán vẫn tồn tại nên nhân viên của quán vẫn vui vẻ động viên nhau rằng: “Tiền làm ra được”.
Ở Sài Gòn, quán vẫn để thùng tiền ẩn mình trên chiếc kệ gỗ. Khách sau khi thưởng thức trà, cà phê xong tùy vào sự hài lòng của mình, sẽ bỏ vào thùng tiền bao nhiêu tùy ý.
Những chai tinh dầu do chính người điếc làm được vận chuyển từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Ảnh: Vũ Phượng |
Thùng tiền để khách bỏ bao nhiêu tùy sự hài lòng. Ảnh: Vũ Phượng |
Tinh dầu để xe hơi có giá 120.000 đồng/lọ. Ảnh: Vũ Phượng |
Anh Luân giải thích: “Sài Gòn đâu phải lúc nào cũng thành công, có những lúc bạn thất bại. Có thể bạn là giám đốc công ty, nhưng qua một đêm bạn phá sản, bạn vẫn có thể ngồi ở đây để những người khác nâng đỡ bạn. Có thể hôm nay bạn không có tiền, bạn vẫn có thể đến đây để uống ly cà phê, tách trà và suy nghĩ về tương lai. Đến một ngày bạn thành công, bạn sẽ quay lại và bỏ vào thùng tiền đó nhiều hơn để nâng đỡ lại những người khác”.
Qua phiên dịch của anh Luân, Hạnh (quê Nam Định, nhân viên quán) hạnh phúc chia sẻ, ngày trước Hạnh làm gấp quần áo trong phân xưởng nhưng cảm thấy khó hòa nhập vì tại đó không ai sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
“Đến khi làm phục vụ ở đây em rất thoải mái, không gặp vấn đề gì, chỉ khó khăn đôi chút khi đưa menu giới thiệu món cho khách. Em rất vui vì được gặp khách giao tiếp cùng khách hàng và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Hiện tại em muốn làm phục vụ, sau này em còn muốn làm kỹ sư lắp ráp rô bốt”.
Những bịch xà phòng nhỏ xinh thích hợp làm quà tặng. Ảnh: Vũ Phượng |
Nhừng dòng note khách viết được dán lại ở quán. Ảnh: Vũ Phượng |
Không gian ấm áp của quán. Ảnh: Lê Nam |
Theo thanhnien.vn |